• Zalo

Bộ trưởng Đam: Nền kinh tế sẽ không rơi vào giảm phát

Kinh tếThứ Tư, 01/08/2012 06:20:00 +07:00Google News

(VTC News) – Chỉ số CPI liên tiếp âm trong tháng 6 và tháng 7, nhưng theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, điều đó không có nghĩa là nền kinh tế suy giảm.


(VTC News) – Chỉ số CPI liên tiếp âm trong tháng 6 và tháng 7, nhưng theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, điều đó không có nghĩa là nền kinh tế suy giảm.

Theo thông lệ, GDP chủ yếu ước tính theo quý, khi có 2 quý tăng trưởng âm liên tiếp thì gọi là suy giảm. Nhưng Việt Nam các quý đều tăng trưởng dương. Điều đáng nói, so với các nền kinh tế thế giới, riêng tốc độ tăng trưởng vẫn thuộc loại khá cao.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay của nước ta thấp hơn so với các năm trước đây và so với kế hoạch, nhưng cũng không có nghĩa là suy giảm kinh tế.

CPI giảm liên tiếp trong 2 tháng, nhưng không có nghĩa nền kinh tế suy giảm 

Bộ trưởng cũng cho biết, tính chung CPI 2 tháng qua là âm, nhưng theo thông lệ nếu loại bỏ 2 nhóm hàng là lương thực, năng lượng – 2 nhóm phụ thuộc nhiều vào điều kiện bên ngoài, không phụ thuộc vào tài chính tiền tệ của nền kinh tế thì lạm phát lõi 2 tháng qua vẫn dương. Chỉ có chỉ số giá tiêu dùng đã giảm liên tục.


Nhiều dự kiến tháng 8 cũng sẽ tiếp tục âm nếu cộng cả lương thực và năng lượng. Tính tổng lại từ nay tới cuối năm nếu không có biện pháp đặc biệt thì lạm phát sẽ không quá 7%. Điều này so với nền kinh tế Việt Nam cần cân nhắc để có giải pháp đảm bảo vừa kiềm chế lạm phát, vừa tăng trưởng hợp lý. Nhưng cũng không nên quên các nền kinh tế phát triển phần nhiều lạm phát dương nhưng ở mức 7% là rất cao.

“Nếu doanh nghiệp về lâu dài muốn phát triển được thì vĩ mô phải ổn định, ở 1 nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào vốn, điều trợ giúp doanh nghiệp tốt nhất là ngân hàng có vốn dồi dào cho vay, lãi suất thấp và ổn định. Như thế thì lạm phát phải rất thấp.

Nếu điều hành năm nay lạm phát 7% và sang năm tiếp tục giảm thì mới là ổn định vĩ mô lâu dài. Đây mới chính là điều nhân dân đòi hỏi. Điều hành không giật cục, đừng để lạm phát lên cao rồi siết lại, lại phải đưa ra gói kích cầu”, Bộ trưởng Đam nhấn mạnh.


Bộ trưởng cũng thừa nhận, hiện nay các doanh nghiệp còn rất khó khăn, nhưng đây là cơ hội để tái cơ cấu lại sản xuất để kinh tế vi mô ổn định. Tình hình có nhiều khó khăn nhưng đang đi đúng hướng.


Ông Vũ Đức Đam cũng lấy dẫn chứng, nếu nhìn bên ngoài, số lượng doanh nghiệp thành lập mới vẫn tăng nhưng chậm lại, tốc độ doanh nghiệp giải thể tăng lên. Nhưng nếu nhìn kỹ, tổng số doanh nghiệp đang hoạt động so với doanh nghiệp ngừng hoạt động thì vẫn ở mức khả quan, trên 70% doanh nghiệp hoạt động có mã số thuế.

Còn nhìn vào chỉ số xuất khẩu những tháng qua, vẫn tăng trên 20%, cao hơn nhiều so với kế hoạch và là niềm mơ ước của nhiều nền kinh tế. Nhưng tăng chủ yếu là do doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), còn doanh nghiệp Việt Nam thì lại giảm.

Bộ trưởng cũng thừa nhận, doanh nghiệp Việt Nam còn rất yếu, nguồn vốn chủ yếu dựa vào vốn ngân hàng, nhưng tăng trưởng tín dụng lại rất thấp, nên doanh nghiệp rất khó khăn.

“Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt và tiếp tục theo hướng kiềm chế tốt lạm phát thì lãi suất sẽ giảm xuống, những khoản vay cũ của doanh nghiệp được giải quyết”, Bộ trưởng Đam nhấn mạnh.

Châu Anh

Bình luận
vtcnews.vn