Thông tin được ông Diên cho biết tại phiên giải trình trước Quốc hội chiều 9/11.
“Bộ Công Thương đang khẩn trương xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Trong đó việc triển khai cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa nhà máy điện và khách hàng sử dụng điện chính là bước đầu tiên trong thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh ở nước ta”, ông Diên nói.
Ông Diên cho biết thêm, hiện Bộ Công Thương đã trình Chính phủ cho phép thí điểm thực hiện cơ chế này từ nay đến năm 2025.
Bộ Công Thương cũng đã trình Chính phủ và Quốc hội cho sửa quy định để tư nhân có thể được đầu tư vào phân khúc truyền tải điện; trình cơ chế điều hành thực hiện các dự án điện, nhằm siết lại kỷ cương trong tổ chức thực hiện quy hoạch và kế hoạch phát triển điện ở nước ta; đồng thời cho phép triển khai chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025.
“Bộ Công Thương sẽ triển khai thực hiện nghiêm túc sau khi được chấp thuận”, ông Diên nói.
Vẫn theo ông Diên, thị trường phát điện cạnh tranh được ngành triển khai từ khá sớm nhờ vậy, đến nay có gần 70% nguồn điện do tư nhân hoặc công ty cổ phần sản xuất. Thị trường bán buôn điện cạnh tranh cũng đã được vận hành từ đầu năm 2019, và đến nay EVN không còn là đơn vị duy nhất mua bán điện mà có thêm 5 tổng công ty điện lực trực tiếp tham gia mua điện trên thị trường.
Về đề xuất gia hạn thời gian áp dụng cơ chế giá FIT cho các dự án điện gió, ông Diên cho hay đây là cơ chế giá hỗ trợ của Nhà nước nhằm khuyến khích phát triển trong một thời gian nhất định. Do đó việc kéo dài thời gian áp dụng là không hợp lý, không đúng bản chất của chính sách, gây bất bình đẳng các dự án cùng cơ chế.
“Nếu kéo dài cơ chế giá FIT sẽ gây hậu quả pháp lý và kinh tế. Bộ cũng không nhận được sự thống nhất của các ngành khác khi lấy ý kiến”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Về đề nghị quan tâm đến tỉnh Ninh Thuận và một số địa phương trong khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển các nguồn điện, Bộ trưởng Công Thương cho rằng phát triển năng lượng tái tạo đang được xem là cơ hội, tiềm năng và lợi thế, tăng thu ngân sách cho một số địa phương. Tuy nhiên, năng lượng sạch vẫn có giá thành cao, chưa phù hợp với khả năng thanh toán của các đối tượng sử dụng điện ở Việt Nam.
Ở nước ta hiện có một nghịch lý là những nơi có tiềm năng tốt để phát triển các loại hình điện năng lại là nơi có phụ tải rất thấp (điển hình như ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên phụ tải chỉ chiếm 4-10% khả năng cung ứng về nguồn, trong khi ở miền Bắc phụ tải luôn tăng mà nguồn vẫn chỉ ở ngưỡng thấp so với nhu cầu).
Việc phát triển quá nóng các nguồn điện trong thời gian vừa qua ở một vài địa phương đã khiến cho hệ thống truyền tải điện không thể đáp ứng, không thể huy động hết công suất các nhà máy hiện có, gây lãng phí nguồn lực xã hội; việc xây dựng thêm các đường dây truyền tải cao áp, siêu cao áp kết nối liên vùng miền khiến chi phí sản xuất tăng rất cao làm tăng giá thành điện năng.
Việc mở rộng quy mô, nâng công suất các dự án, nhà máy hiện có (nhất là thủy điện) cũng cần được cân nhắc, tính toán thật kỹ bởi điều đó tùy thuộc rất nhiều vào yếu tố khí hậu, kết cấu địa chất và các điều kiện tự nhiên, xã hội khác.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp rất chặt chẽ với tỉnh Ninh Thuận trong việc phát triển các dự án điện trên địa bàn. Về quy hoạch đã bổ sung thêm gần 24% công suất nguồn điện so với thời điểm có các dự án điện hạt nhân. Một số đề xuất của tỉnh về phát triển năng lượng tái tạo, Bộ đã và sẽ cân nhắc kỹ lưỡng trong mặt bằng chung của cả nước, trình Chính phủ xem xét quyết định.
“Trong giai đoạn tới, Bộ sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tỉnh trở thành là một trong những trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch trong tương lai như Nghị quyết 115 của Chính phủ đề ra”, ông Diên nhấn mạnh.
Liên quan giải pháp bình ổn thị trường phân bón, vật tư nông nghiệp, theo ông Diên đây là lĩnh vực luôn được Bộ Công Thương chú trọng chỉ đạo các đơn vị chức năng theo dõi, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để kịp thời đề xuất, áp dụng nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ nông dân sản xuất có lãi, qua đó nâng cao đời sống ở khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, thời gian qua, giá phân bón, vật tư nông nghiệp vẫn tăng cao là do giá nguyên liệu đầu vào (chủ yếu nhập khẩu) và chi phí vận tải, logistics do giãn cách xã hội tăng cao.
Mặt hàng phân bón không thuộc danh mục chịu thuế VAT nên các nguyên, vật liệu đầu vào không được khấu trừ thuế cũng đã làm tăng giá thành sản phẩm.
Nhu cầu tiêu thụ mặt hàng phân bón của thế giới tăng cao do đứt gẫy chuỗi cung ứng.
“Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp như đã làm thời gian qua, đồng thời tiếp tục phối hợp tốt hơn với các bộ, ngành, địa phương để có các giải pháp hiệu quả hơn”, ông Diên nói.
Bình luận