Sáng 15/11, Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) bày tỏ: "Chưa bao giờ tính mạng người dân lại mỏng manh trước thiên tai và nhân tai đến thế. Chết người, trắng tay là hệ quả đau lòng đối với người dân vùng hạ lưu".
Đại biểu Dung cũng chỉ ra hàng loạt sai phạm trong vận hành xả lũ thủy điện Hố Hô, An Khê gây thiệt hại nặng nề cho người dân.
"Bộ trưởng xử lý sai phạm thế nào, bao giờ người dân được đền bù thiệt hại", đại biểu Dung đặt câu hỏi.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết trước kỳ họp Quốc hội đã có báo cáo gần 20 trang trả lời về việc các dự án thủy lợi địa phương về việc đảm bảo an toàn, phương án chống xả lũ.
"Chúng ta không phát điện thủy điện bằng mọi giá", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Cơ bản, chúng ta đã khai thác hết các thủy điện lớn. Đối với các thủy điện nhỏ, chúng ta đã xem xét và đưa ra khỏi quy hoạch các dự án không đảm bảo môi trường, đời sống nhân dân.
Hiện nay, chúng ta có hơn 336 dự án thủy điện. Chức năng quản lý nhà nước giao cho Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
"Các chủ đập thủy điện phải phối hợp với địa phương để đảm bảo an toàn việc xả lũ xuống hạ du. Nếu các đơn vị này đảm bảo được an toàn thì mới được cấp phép hoạt động thủy điện.
Nhưng thực tế, các đập xả lũ đều gây ra bức xúc trong nhân dân, dư luận xã hội như việc xả lũ thủy điện Hố Hô, An Khê", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận.
Ngay khi có lũ về, Bộ Công thương đã tổ chức các đoàn kiểm tra đánh giá cụ thể. Quy trình có nhưng chấp hành thực hiện quy trình nhiều khi còn máy móc, nguyên tắc.
Khi xả thì chủ hồ, chủ đập thủy điện phải thông báo cho chính quyền địa phương, cơ quan phòng chống lụt bão địa phương, nhưng không thông báo đầy đủ đến người dân.
“Có thể do mất điện, đánh kẻng nhưng không nghe thấy. Có sự phối hợp chưa tốt giữa chủ đập thủy điện với chính quyền địa phương.
Có các phương án phòng chống lụt báo nhưng không tập dượt nên việc tổ chức thực hiện không hiệu quả", Bộ trưởng Công thương nêu nguyên nhân.
Video: Đại biểu Quốc hội: Tỉnh nghèo xin ngân sách xây trụ sở nghìn tỷ đồng là đáng trách
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh dẫn chứng: "Trường hợp Hố Hô vừa rồi, chủ đập gọi nhưng lãnh đạo xã không nghe máy nên người dân ở một số vùng hạ du không nắm được thông tin".
Hệ thống quan trắc ở các đập thủy điện cũng không đảm bảo trong việc theo dõi, chủ động phương án phòng chống lụt bão.
Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tổng kiểm tra tất cả quy trình xả lũ đảm bảo an toàn cho người dân ở hạ du.
"Bộ Công thương sẽ xem xét làm rõ trách nhiệm của các bên tham gia, kể cả chính quyền địa phương các cấp, chủ đập, chủ thủy điện. Các chủ đập nếu không đảm bảo sẽ xem xét rút giấy phép kinh doanh hoạt động thủy điện hoặc cấm kinh doanh thủy điện", Bộ trưởng Trần Anh Tuấn khẳng định.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Dung tiếp tục giơ bảng tranh luận và bày tỏ “tôi chưa bằng lòng với câu trả lời này".
Bà Dung hỏi lại: “Thủy điện xả lũ không báo trước, vừa rồi thủy điện Hố Hô xả lũ thì Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh không biết, nhiều người dân không biết. Xả lũ vào lúc chập tối, nước lên tứ bề, bà con không biết chạy đi đâu. Tôi đề nghị làm rõ trách nhiệm”.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: "Về xả lũ thủy điện Hố Hô, chúng tôi đã có báo cáo Thủ tướng. Đúng là đồng chí Bí thư tỉnh ủy có nói là không biết việc xả lũ này, nhưng thủy điện báo cáo với ủy ban phòng chống lụt bão của tỉnh.
Tôi cũng có nói là thủy điện Hố Hô có gọi điện báo nhưng một số xã không nghe máy, do đó chúng tôi sẽ kiểm tra, rà soát lại cả quy trình này".
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu: "Thủy điện Hố Hô thì Bộ Công thương đã kiểm tra và khẳng định có sai phạm trong thực hiện quy định của pháp luật. Tôi đề nghị Bộ chấn chỉnh lại ngay vấn đề xả lũ của thủy điện, không để xảy ra tình trạng xả lũ đúng quy trình nhưng dân vẫn phải chịu thiệt hại".
Bình luận