Chiều 14/9, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật An ninh mạng. Trình bày tờ trình dự án luật, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an (cơ quan soạn thảo) cho biết, hoạt động tấn công mạng nhằm vào hệ thống thông tin Việt Nam gia tăng về số lượng và mức độ nguy hiểm.
Mỗi năm, hệ thống mạng thông tin phải chịu hàng nghìn cuộc tấn công, ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh quốc gia và làm thất thoát, thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.
"Khủng bố mạng nổi lên như một thách thức toàn cầu, không gian mạng đã trở thành môi trường cho các tổ chức khủng bố quốc tế hoạt động tuyên truyền, tuyển lựa, huấn luyện và chỉ đạo hoạt động", Bộ trưởng Công an nói.
Cơ quan soạn thảo cũng cho biết hiện có hai luồng ý kiến khác nhau về phạm vi điều chỉnh và những nội dung quy phạm trong dự thảo Luật An ninh mạng. Theo dự thảo, luật tập trung vào ba vấn đề là phòng ngừa, đấu tranh đối với các hoạt động sử dụng không gian mạng để kích động biểu tình, phát tán thông tin xấu độc, vu khống, sai sự thật; bảo vệ bí mật nhà nước trên không gian mạng; phòng chống lợi dụng mạng để tiến hành các hoạt động khủng bố, tuyên truyền chống phá chế độ.
Một luồng ý kiến cho rằng cần thu hẹp phạm vi điều chỉnh nhưng cũng có ý kiến đề nghị xây dựng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật không chỉ tập trung vào bảo vệ an ninh quốc gia, mà phải bảo đảm được trật tự an toàn xã hội. Các hành vi lừa đảo, cá độ, đánh bạc, đăng tải thông tin xấu, độc, vu khống, thất thiệt... đang ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích của mỗi cá nhân.
Về vấn đề này, Thượng tướng Tô Lâm cho biết, việc sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật được thực hiện không giới hạn không gian, thời gian và có thể xảy ra trên mọi lĩnh vực. Vì vậy, yêu cầu bảo vệ an ninh mạng được đặt ra đối với toàn bộ các lĩnh vực.
Bộ trưởng Công an thông tin, nhiều hệ thống thông tin nước ta đã trở thành mục tiêu tấn công thường xuyên của tin tặc. Mỗi năm có hàng nghìn cuộc tấn công nhằm vào các cơ quan chính quyền, các hệ thống tài chính, ngân hàng, hạ tầng thông tin trọng yếu, trang web của các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam... nhằm đánh cắp thông tin, bí mật nhà nước, thành tựu khoa học công nghệ, sở hữu trí tuệ.
"Các loại virus, mã độc, vũ khí mạng xuất hiện ngày càng nhiều, một số loại được thiết kế chuyên biệt, hết sức nguy hiểm. Trong khi đó hệ thống mạng thông tin nước ta còn nhiều lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng, không được kiểm tra, đánh giá thường xuyên", Thượng tướng Tô Lâm nói và cho rằng, nếu bảo vệ an ninh mạng chỉ tập trung vào bảo vệ an ninh quốc gia sẽ bỏ sót nhiều đối tượng, mục tiêu, nội dung cần bảo vệ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cần có những quy định cụ thể để huy động người ưu tú vào lực lượng bảo đảm an ninh mạng. "Cần có chính sách đặc thù, chế độ lương cao chứ như bây giờ thì chắc là khó có thể thu hút sinh viên ưu tú, người giỏi công nghệ thông tin vào", ông nói.
Ông Hiển cũng cho rằng nếu chỉ dựa vào lực lượng quân đội, công an chuyên trách an ninh mạng thì e là không đủ, mà khi cần phải có lực lượng ngoài xã hội. Vì vậy, ông đề xuất nghiên cứu quy định kỹ sư công nghệ thông tin làm ngoài nhưng đăng ký với quân đội, công an như kiểu lực lượng dự bị, khi cần thì huy động tham gia để phòng thủ và tấn công.
Video: Bộ Công an và Bộ Quốc phòng tranh luận nóng về an ninh mạng
"Nếu quy định như dự thảo thì khó có nguồn lực đầu tư để tạo sự đột phá. Hiện nguồn lực cho an ninh mạng còn thấp thì quy định đảm bảo chi ngân sách năm sau cao hơn năm trước cũng không đáng là bao. Nên chăng có chương trình quốc gia về vấn đề này để đầu tư trọng tâm, trọng điểm theo trật tự ưu tiên như những cơ quan quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm quốc gia...", ông Hiển góp ý.
Bình luận