Liên quan đến hàng loạt vụ an toàn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng thời gian qua, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng việc điều chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm mới chỉ dựa trên Luật Giao thông đường bộ, một số thông tư, nghị định, văn bản dưới luật nên việc quản lý, đảm bảo an toàn giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu.
"Chính vì thế, Bộ Công an xin đề xuất với Quốc hội, trong thời gian tới, xây dựng Luật Đảm bảo trật tự an toàn về giao thông, từ đó mới điều chỉnh được những vấn đề đang gây bức xúc dư luận hiện nay".
Về năng lực, đạo đức của cảnh sát thực thi pháp luật về an toàn giao thông, Bộ Công an thừa nhận còn vấn đề. Hiện tại, Bộ Công an đang tổ chức lại lực lượng, có những biện pháp nâng cao năng lực hoạt động cho cảnh sát giao thông cả trên đường bộ lẫn mặt nước, để tổ chức được hoạt động giao thông trong xã hội một cách hợp lý.
Trong kỳ họp này, dự thảo Luật hạn chế tác hại rượu, bia cũng đang gây tranh cãi khi có một số quy định được đưa ra nhằm mục tiêu hạn chế tai nạn giao thông.
Quốc hội hôm qua tổ chức lấy ý kiến đại biểu về việc uống rượu, bia của người điều khiển phương tiện giao thông khi tham gia giao thông.
Cả 2 phương án "Cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn" và "Cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông" đều không nhận được nổi 50% số đại biểu đồng ý.
Phương án 1 "Cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn", ở lần bỏ phiếu đầu tiên, nhận được 48,76% phiếu thuận và 36,36% phiếu chống.
Do trước khi bấm nút bỏ phiếu, có sự thay đổi về kỹ thuật, câu từ, nên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi xin phát biểu để giải thích lại, đồng thời có ý kiến đề xuất Quốc hội biểu quyết lại.
Sau đó, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã xin Quốc hội biểu quyết lại đối với phương án này.
Kết quả, ở lần bỏ phiếu thứ 2, phương án này cũng chỉ nhận được 224/440 (46.28%) đại biểu tham gia bỏ phiếu đồng thuận trong khi phương án 2 nhận được 214/432 phiếu thuận (44,21%).
Bình luận