• Zalo

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Tôi không chịu được nhiều sức ép

Kinh tếThứ Năm, 11/02/2016 07:36:00 +07:00Google News

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh vẫn luôn tâm huyết với công cuộc đổi mới thể chế dù 2016 cũng là năm ông kết thúc nhiệm kỳ.

(VTC News) - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chia sẻ, đổi mới sẽ phải đụng chạm, bản thân ông lại không chịu được nhiều sức ép, nhưng nhờ có nhiều người ủng hộ mà công cuộc đổi mới thể chế thời gian qua đã có kết quả bước đầu.

Nhân dịp đầu năm mới, VTC News đã có cuộc trò chuyện với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh.

- Thưa Bộ trưởng, kinh tế Việt Nam năm 2015 vừa qua được nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá có nhiều khởi sắc và sẽ có những bước ngoặt lớn trong năm 2016 khi tiến vào quá trình hội nhập. Vậy Bộ trưởng đánh giá thế nào về điều này?


Việt Nam đang tích cực hơn trong việc hội nhập kinh tế thế giới với những hiệp định thương mại tự do đã ký kết trong năm 2015 và cả trước đó. Sang năm 2016, Việt Nam sẽ bắt đầu bước vào hội nhập còn cao hơn nữa.

Thứ nhất là bởi chúng ta đã tham gia thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) có hiệu lực vào 31/12 vừa qua. Và khi đã tham gia, đồng nghĩa với việc chúng ta đang phải đối mặt với 3 thách thức lớn, đó là tự do luân chuyển hoàn hóa, đầu tư và lao động có kỹ thuật cao.

Tôi lấy ví dụ gần đây trên mạng, các hãng hàng không Việt Nam có tuyển dụng rất nhiều tiếp viên hàng không, với sự tham gia của lao động từ nhiều nước chứ không chỉ riêng lao động Việt Nam, như Hàn Quốc, Thái Lan, Myanma,... Cùng nhau thi tuyển như lao động nước ngoài lại có khả năng trúng tuyển cao hơn lao động Việt Nam, vì họ đã được đào tạo bài bản, tiếng Anh lại tốt.

Thế là ngay lập tức có thể nhìn thấy việc cạnh tranh nhân lực chất lượng cao là cực kỳ cam go khốc liệt, nếu ko có đào tạo thì ta đánh mất cơ hội việc làm ngay trên chính sân nhà. Đây chính là thách thức rất lớn.

Rồi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Hàn Quốc đã được quốc hội Hàn Quốc thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, hiệp định thương mại với Liên minh Kinh tế Á Âu Nga - Belarus - Kazactan cũng đã ký kết năm ngoái và năm 2016 hy vọng sẽ sớm được phê chuẩn.

Chưa kể tới các hiệp định thương mại tự do với EU, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tất cả đều là những bước ngoặt rất lớn trong việc hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh
- Theo Bộ trưởng, những sự chuẩn bị của Việt Nam cho quá trình hội nhập sắp tới đã thực sự tốt hay chưa? Và chúng ta còn đang thiếu những trang bị gì để chịu được tác động từ quá trình này?

Quốc hội, các chuyên gia cho tới dư luận, báo chí đã bàn luận rất nhiều về việc Việt Nam chuẩn bị như thế nào cho quá trình hội nhập này, và hiện đang có hai luồng quan điểm.  

Một luồng ý kiến cho rằng ta đã và đang chuẩn bị khá tốt, cả từ phía các doanh nghiệp cho tới phía chính phủ. Còn một luồng ý kiến khác lớn hơn thì nói ta cần có những kế hoạch lớn hơn và cụ thể hơn cho mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân, để họ hiểu được cơ hội do các hiệp định thương mại FTA mang lại.

Nhất là cần phải chỉ cho họ cách tận dụng được các cơ hội đó, cũng như những thách thức đối với từng ngành, từng lĩnh vực phải đối mặt khi hội nhập.

Tôi nói thế vì mỗi ngành trong mỗi một hiệp định thương mại FTA sẽ lại có những thách thức khác nhau, cần phải nắm rõ những thách thức đó và đánh giá đúng đối thủ của mình.

Như hiệp định thương mại FTA với Hàn Quốc, những vấn đề cơ bản như họ có những điểm mạnh gì, tác động đến ta ra sao, cơ hội của ta như thế nào... các doanh nghiệp, hiệp hội cũng đã họp bàn và cùng nhau chia sẻ, thảo luận, nhưng chỉ như vậy vẫn chưa đủ.

Các doanh nghiệp còn cần phải chủ động chuẩn bị về thông tin, kiến thức, soạn thảo ra những kế hoạch chi tiết để tận dụng được mọi cơ hội các FTA mang lại và chịu được tất cả tác động ngược chiều từ đó.

- Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp trong năm 2015 đã được ban hành với mong muốn cải thiện môi trường đầu tư cho các doanh nghiệp, song đến nay đã gần nửa năm mà nhiều doanh nghiệp vẫn còn bỡ ngỡ. Bộ trưởng nghĩ sao về vấn đề này, liệu sẽ có sự cải thiện nào trong năm 2016 hay không?

Về Luật doanh nghiệp và Luật Đầu tư, chúng ta đang kỳ vọng những bộ luật này sẽ được áp dụng vào thực tiễn một cách tốt hơn trong năm 2016, sau khi đã được ban hành đầy đủ mọi Nghị định và Thông tư hướng dẫn trong năm 2015.

Những tư tưởng của luật này là nhằm tạo một khuôn khổ pháp lý rất rõ ràng để có một môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động và tránh được các rủi ro.

Tuy nhiên mới đầu ai cũng có thể sẽ bỡ ngỡ vì chưa quen với những cái mới, nên từ đó sẽ có những độ trễ nhất định để họ làm quen dần.

Bởi vậy mà thông thường một luật mới bao giờ ít nhiều cũng đều có độ trễ, và tính đến thời điểm đầu năm 2016, tức sau khoảng nửa năm những luật này được ban hành tới người dân và doanh nghiệp thì đây là độ trễ có thể chấp nhận được.

Cái mà tôi muốn nói ở đây là tư tưởng thông thoáng và vì doanh nghiệp của các bộ luật này, đó là người dân và doanh nghiệp được làm tất cả những gì mà luật pháp không cấm. Đó là tư tưởng rất tiến bộ, và chắc chắn sẽ có tác dụng.

Năm tới Chính phủ cũng đưa ra mục tiêu cụ thể là đưa môi trường kinh doanh bằng 4 nước phát triển của ASEAN, và đây là một mục tiêu tham vọng bởi tôi nghĩ, trên văn bản thì ta thấy ngang bằng vậy thôi, nhưng trong thực tế để triển khai và đạt được kết quả là rất khó khăn.

Đây cũng là thách thức trong điều hành và nếu không có chấn chỉnh thì chắc chắn sẽ không đạt được kết quả. Mong muốn vậy, tuyên bố vậy thôi, còn người dân, doanh nghiệp thì lại chưa được hưởng.

- Vậy theo Bộ trưởng trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phải phát triển như thế nào, bằng cách nào và bắt đầu từ đâu trong khi nhiều người cho rằng chúng ta đang bị tụt hậu xa so với các nước khác, lại không còn có được nguồn lực về vốn vay như trước?

Việt Nam sẽ phát triển thông qua những thể chế phù hợp nhất với thế giới và với điều kiện hoàn cảnh của mình, để từ đó khơi dậy tất cả tiềm năng và thế mạnh của Việt Nam, khơi dậy nguồn trí tuệ con người Việt Nam.

Bên cạnh thể chế thì con người cũng là nhân tố quyết định cho việc phát triển đất nước. Nhân lực thì phải được sử dụng đúng người đúng chỗ, phải chọn được những người có tài năng nhất, tâm huyết nhất và trách nhiệm nhất để lãnh đạo đất nước này.

Còn những nhân tố khác như tài nguyên, vốn chưa phải là nhân tố quyết định tới việc phát triển đất nước mà đó chỉ là điều kiện cần mà thôi.

Ở đây tôi muốn nhấn mạnh rằng thể chế và con người mới là hai yếu tố quan trọng nhất, và tôi cũng hi vọng Việt Nam sẽ thúc đẩy được hai yếu tố này để Việt Nam có thể vươn lên phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.

Hiện nay, dù thế giới đánh giá Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh, đạt được nhiều mục tiêu thiên niên kỷ, song nhìn sang các nước bên cạnh mới thấy ta phát triển chậm hơn họ, về tốc độ tăng trưởng trong năng suất lao động vẫn thua kém hàng nhiều lần.

Vì vậy trong cuộc đua này, chúng ta không được chủ quan nghĩ rằng chúng ta hơn được bản thân mình trong quá khứ là đã hài lòng. Thực tế chúng ta còn có thể làm được tốt hơn thế gấp nhiều lần, trong khi bản thân chúng ta còn chưa đuổi kịp được nhiều quốc gia có cùng điều kiện khác.

- Tại lễ kỷ niệm 70 năm của Ngành kế hoạch và đầu tư, Bộ trưởng kêu gọi cán bộ cần nghiên cứu theo tinh thần đổi mới. Tại sao Bộ trưởng lại khuyến khích việc làm này?

Vì chúng tôi là một cơ quan hoạch định chính sách, xây dựng chính sách, hoạch định chiến lược cho đất nước. Đó là công việc cực kỳ hệ trọng nên nó đòi hỏi chất đổi mới, đòi hỏi những con người có tư duy tốt, kiến thức toàn diện, không chỉ kiến thức trong nước mà còn cả kiến thức của toàn nhân loại.

Chúng ta không thể một mình đi một đường, mà chúng ta phải đi con đường chung của nhân loại, mà muốn đi được con đường chung đó, chúng ta phải biết nhân loại đang làm gì, các quốc gia phát triển hướng đi của họ ra sao, và Việt Nam đang đứng ở đâu trong lộ trình này.

Từ đó đòi hỏi chúng ta phải có những kiến thức do chúng ta tự học, tự nghiên cứu vì không ai được dạy những kiến thức này trong trường học cả.

Thứ hai là phải nắm bắt được thực tế ở Việt Nam; thứ ba là phải có tâm huyết với đất nước, phải trăn trở tại sao nước mình còn phát triển chậm thế, kém thế, tại sao người dân ca thán nhiều thế.

Như vậy thì mới có thể hoạch định được chiến lược tốt, chính sách tốt. Đây là việc của trí tuệ, không ai ép buộc nên phải tạo được môi tường đổi mới sáng tạo không chỉ cho doanh nghiệp mà cho chính các cán bộ trong cơ quan.

Tôi muốn nói, sáng tạo chỉ tới khi người ta hưng phấn làm việc. Tôi kêu gọi, và cam kết môi trường bình đẳng thuận lợi để các cán bộ nghiên cứu, sáng tạo nhằm tham mưu cho các lãnh đạo Đảng và Nhà nước những đột phá về thể chế.

Tức là phải suy nghĩ khác đi, đổi mới là làm cái khác đi chứ không phải lặp lại giống cái hiện tại, cho dù cái mới thì vẫn luôn có khả năng bị phản đối.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chả lời chất vấn tại Quốc hội
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trả lời chất vấn tại Quốc hội 
- Bộ trưởng được rất nhiều người ca ngợi vì tinh thần đổi mới, thẳng thắn ngay cả trên nghị trường, nhưng chắc hẳn đằng sau đó cũng có cả những sức ép và khó khăn không nhỏ?

Tôi nghĩ, đổi mới thực sự được kiểm chứng là có lợi cho dân tộc, cho đất nước thì sẽ luôn được ủng hộ. Tuy vậy, để đổi mới thì cũng sẽ không thoát khỏi việc phải đụng chạm tới lợi ích của một số ngành, một số cá nhân, và tất nhiên là họ không đồng ý, họ sẽ có những phản ứng lại.

Chính vì vậy mà những người làm luật chúng tôi chịu không ít những áp lực kiểu này, và cá nhân tôi cũng là người phải chịu đựng sức ép rất nhiều.

Về cơ bản tôi không chịu được nhiều sức ép lắm, nhưng nhờ cạnh tôi có nhiều lãnh đạo cấp cao ủng hộ và khuyến khích sự đổi mới này, ngay cả Quốc hội và Chính phủ cũng ủng hộ.

Phải thú thực là có quá nhiều khó khăn, nhưng thế là chuyện thường tình thôi, vì đã đổi mới là phải đụng chạm, mà đổi mới không có phản ứng thì không thể gọi là đổi mới.

Vì lợi ích, minh bạch thì sẽ không có sự lợi dụng để tư lợi, thế nên sẽ có những sự phải phản ứng bởi làm luật hay chính sách, cắt giảm đều có đụng chạm tới lợi ích cả.

Nhưng ban đầu, khi chưa hiểu thông thì họ phản ứng, ví dụ như luật đầu tư công, lúc đầu phản ứng quyết liệt đấy thôi, nhưng giờ thì thấy đã tốt đẹp hơn rất nhiều rồi.

Thế nên bản thân mình vượt qua chính mình thì mới làm được, phải đặt điều kiện tiên quyết là trách nhiệm với toàn đất nước, với cả dân tộc trên những lợi ích của bản thân và của ngành mình.

- Nhìn lại 5 năm qua những điều đã làm và chưa làm được, Bộ trưởng còn điều gì trăn trở trước khi kết thúc nhiệm kỳ không?

5 năm qua, từ các cơ quan chính phủ cho tới các chuyên gia trong nước cũng như quốc tế đã có nhiều sự đánh giá mạnh yếu để hoàn thiện hơn về thể chế.

Đại hội Đảng lần thứ 11 cũng đã xác định rằng, cải cách thể chế là 1 trong 3 khâu đột phá, và 5 năm qua cũng đã có một số bước chuyển mạnh mẽ về thể chế như sửa đổi hiến pháp năm 2013, cho tới các luật dân sự, hình sự, tới luật kinh tế… hướng theo tiến bộ và mong muốn đổi mới về thể chế.

Nhưng cố gắng chừng đó thôi vẫn chưa đủ, vì then chốt nhất vẫn phải là hoàn thiện và thúc đẩy nhân tố thị trường hiện đại và đầy đủ.

Ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm vì ta mới chỉ dừng ở đổi mới thôi, còn phải tiếp tục phải hoàn thiện theo các nấc phát triển của Việt Nam nay mai nữa.

Có thể nói đổi mới thể chế là điểm sáng ấn tượng nhất trong 5 năm qua, thế nhưng 5 năm tới còn nhiều việc phải làm hơn nữa, bởi vì đổi mới là về lâu về dài chứ không thể hết ngay trong một nhiệm kỳ.

Thế nên tôi cũng không dám chắc nhiệm kỳ sau sẽ tiếp tục đổi mới như thế nào, vì mình không làm thì làm sao dám khẳng định. Nhưng tôi tin Đảng và Chính phủ sẽ chọn ra được người tốt để có thể gánh vác được thật tốt trọng trách này và tạo ra những sự đổi mới tuyệt vời hơn nữa.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Trang Diệp(thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn