Chiều nay (2/7), tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương đánh giá tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 đang diễn ra tại Hà Nội, các Bộ trưởng kinh tế như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước đồng loạt đưa ra hàng loạt giải pháp tăng trưởng kinh tế cuối năm trong điều kiện đại dịch COVID - 19 diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới nhiều bất ổn.
Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư cho biết, dù Việt Nam vẫn nằm trong số ít quốc gia có tăng trưởng nhưng mức tăng GDP 6 tháng đầu năm 1,81% là thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Song, GDP quý II chỉ tăng 0,36% cũng là điều đáng quan tâm. Nguyên nhân theo Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư do bị đứt gãy thị trường xuất khẩu, thời gian cho hoạt động kinh tế đóng góp cho tăng trưởng không nhiều. Nhiều hoạt động bị ngừng trệ, tháng 5 mới bắt đầu làm quen dần với tình trạng bình thường mới.
"Nếu diễn biến dịch bệnh trên thế giới không có tín hiệu tích cực, việc đạt tốc độ tăng trưởng cao trong các quý cuối năm là rất khó khăn", ông Dũng cho biết.
Một trong những giải pháp được lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư nêu là đề xuất Chính phủ trình Ban Bí thư thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống suy thoái kinh tế sau COIVD-19. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ là trưởng ban, và thành viên là đại diện từ các cơ quan trong hệ thống chính trị, để quyết tâm sớm triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ và phục hồi tăng trưởng nền kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương tán thành việc sớm thành lập Ban Chỉ đạo chống suy thoái nền kinh tế sau đại dịch COVID - 19, việc này để kết nối hoạt động chống dịch và phát triển kinh tế, nếu chúng ta lơ là chống dịch thì có thể sẽ bùng phát trở lại.
Ông Tuấn Anh cho biết, trong các thị trường xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch COVID - 19, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc và Mỹ đều tăng trưởng dương, điều này cho thấy chúng ta vẫn có những dư địa tốt và vẫn có tăng trưởng dương. Tuy nhiên, với điều kiện đặc thù của đại dịch đang diễn biến phức tạp, 6 tháng cuối năm sẽ còn rất khó khăn.
Theo người đứng đầu ngành Công Thương, thời gian tới sẽ cho phép khuyến mãi giảm giá 100%, không giữ trần nữa.
Về mua bán, sáp nhập và hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư đề nghị các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần rà soát kĩ việc mua bán, sáp nhập nhất là đối với các doanh nghiệp có vai trò thiết yếu trong nền kinh tế. Nhanh chóng xây dựng các tiêu chuẩn, qui chuẩn phù hợp trong tình hình mới.
Ngoài ra, tập trung thực hiện các giải pháp về lao động, việc làm, trong đó cấp thị thực và áp dụng thống nhất thủ tục nhập cảnh cho các chuyên gia, nhà quản lí doanh nghiệp, lao động kĩ thuật là người nước ngoài làm việc trong các dự án đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, được nhập cảnh vào Việt Nam để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp…
Bình luận