• Zalo

Bộ tộc đàn ông che mặt duy nhất của thế giới Hồi giáo

Thế giớiThứ Bảy, 03/12/2011 06:15:00 +07:00Google News

(VTC News) - Tuareg sẽ là bộ tộc đầu tiên không ưa chính sách "một ông bốn bà" của NTC, bởi họ là bộ tộc Hồi giáo duy nhất "trọng nữ khinh nam".

(VTC News) - Cuộc chiến Libya dần đến hồi kết cũng là lúc người ta biết đến Tuareg như một trong những bộ tộc đã che chở cho cha con Gaddafi. Nhưng sẽ còn thú vị hơn nữa nếu biết rằng, người Tuareg sẽ không thích chính sách "một ông bốn bà" mà NTC mới ban hành, đơn giản bởi họ là bộ tộc Hồi giáo duy nhất "trọng nữ khinh nam".

Trong thế giới Hồi giáo, người ta vẫn thường mặc định người đàn ông luôn có địa vị cao hơn và được quyền quản chế người phụ nữ, cho nên, phụ nữ phải đeo mạng che mặt. Tuy nhiên, ở sa mạc Sahara cũng như ở khu vực Sahel, địa vị người phụ nữ lại cao hơn địa vị của đàn ông, và người đeo mạng che mặt khi đó lại là các đức ông chồng. Đây cũng chính là bộ tộc duy nhất trong thế giới Hồi giáo “trọng nữ khinh nam".

Người ta cho rằng, tổ tiên của người Tuareg chính là người Berber ở Bắc Phi. Sau khi người Ả rập chinh phục được Bắc Phi, người dân Berber địa phương dần trở thành người Hồi giáo. Tuy nhiên, người Berber vẫn thường xung đột với người Ả rập, đồng thời thiết lập chính quyền Hồi giáo của người Berber.

 

Để chống lại thế lực của người Berber, những người Ả rập ở Bắc Phi đã triệu tập và kêu gọi những đồng hương trên bán đảo Ả rập di dân đến Bắc Phi. Do sự lấn át của di dân Ả rập, nhiều người Berber đã trở nên vô gia cư, và lũ lượt kéo nhau đến sa mạc Sahara.


Nhờ vào sự phát triển của các thành phần người Berber ở sa mạc Sahara, họ đã dần hình thành nên một quần thể đặc biệt, trong đó có một bộ phận người Tuareg.

Theo truyền thuyết của người Tuareg, tổ tiên của họ là một nữ hoàng.
Nhờ sự giúp đỡ của nữ tỳ Taka Mart và một số nô lệ nam khác, nữ hoàng đã đặt chân tới một vùng đất ở sa mạc Sahara, tại đây, bà và nữ tỳ của mình đã kết hôn và sinh sống với một số người đàn ông địa phương, nữ hoàng đã sinh hạ một bé gái, nữ tỳ Taka Mart cũng sinh hạ hai bé gái.

Như vậy, ba bé gái mới chào đời này chính là thế hệ đầu tiên của tộc người Tuareg. Từ truyền thuyết này, cũng dễ hiểu tại sao ở bộ tộc Tuareg, địa vị người phụ nữ lại cao hơn địa vị đàn ông - đơn giản là ngay khi bắt đầu, phụ nữ đã nắm quyền trong xã hội.


Phụ nữ Tuareg nổi tiếng xinh đẹp. Những đứa con của họ không mang họ bố mà mang họ mẹ, hơn nữa, cha của những đứa trẻ lại không phải người đàn ông có cùng huyết thống với chúng, mà lại là một người anh em họ của mẹ.
 

Những phụ nữ Tuareg có thể bôn ba khắp nơi mà không phải đeo mạng che mặt, trong khi đàn ông bắt đầu từ tuổi 18 đã phải đeo mạng che kín mặt, chỉ hở mỗi đôi mắt.


Nếu một người đàn ông để người khác thấy mũi của mình, anh ta sẽ bị cho là ăn mặc không đúng cách, và sẽ bị mọi người khinh miệt. Phong tục này quy định khá chặt chẽ, người đàn ông Tuareg tuyệt đối không được tháo mạng che mặt dù ở bất cứ nơi đâu, trừ phi anh ta hi sinh trên chiến trường. Ngay cả khi ăn cơm cũng không được phép cởi mạng che mặt, mà phải dùng thìa đút cơm dưới mạng che.

Do điều kiện tự nhiên, bão cát sa mạc tương đối nhiều, nên dùng mạng che mặt cũng có thể xem là điều tốt. Tuy nhiên hiện nay, phong tục này đã không còn được thực hiện nghiêm túc như trong quá khứ nữa, chúng ta có thể thấy một số người đàn ông vì muốn thuận dùng bữa đã tháo mạng che mặt ra, thậm chí có những người đàn ông còn không đeo mạng che mặt ở những nơi đông người.
 

Có  truyền thuyết lí kể rằng, nếu một chiến binh khi chết mà không đeo mạng che mặt, linh hồn của quỷ sẽ thoát ra ngoài thông qua mũi và miệng. Theo một truyền thuyết khác, người đàn ông không đeo mạng che mặt nhất định sẽ biến thành quỷ dữ.


Dù sao thì ý nghĩa của tấm mạng che mặt người đàn ông Tuareg cũng luôn thể hiện ở hai khía cạnh. Thứ nhất, tuyệt đối không thể lột bỏ mạng che mặt của họ, vì việc bị lột bỏ mạng che mặt là nỗi sỉ nhục lớn của người đàn ông Tuareg, khi đó, người đàn ông này sẽ bị coi như là đã chết. Thứ hai, nếu một người Tuareg chết trong trận chiến, anh ta sẽ được bỏ mạng che mặt, vì chỉ khi bỏ mạng che mặt ra người ta mới xác định được người đã chết là ai.

Hiện nay, nhiều người Tuareg cũng không biết lí giải thế nào ngoài việc cho rằng, người đàn ông không đeo mạng che mặt để người khác nhìn thấy là không đứng đắn. Nhưng theo thời gian, giờ đã có một số thanh niên không đeo mạng che mặt ngang nhiên xuất đầu lộ diện trước đám đông.

Đỗ Hường

Bình luận
vtcnews.vn