Đề cập đến vấn đề kinh phí cho tác giả viết sách giáo khoa, PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng Bộ chỉ nên đứng ra tổ chức các cá nhân viết sách.
Bộ có thể giao NXB Giáo dục Việt Nam đứng ra vay tiền để viết một bộ sách giáo khoa. Khi bộ sách giáo khoa đó đã được thẩm định, nhà nước có thể bỏ tiền bỏ mua bản quyền của NXB Giáo dục Việt Nam.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng tất cả các cá nhân, tổ chức, kể cả NXB Giáo dục Việt Nam tham gia viết sách giáo khoa đều phải chủ động kinh phí |
Cũng có cùng quan điểm này, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học cho rằng khi biên soạn sách giáo khoa, các tác giả phải tự bỏ tiền túi để thực hiện.
“Khi bộ sách giáo khoa đó được thẩm định thì tác giả được hưởng nguyên nhuận bút. Nếu in càng nhiều thì tác giả càng được hưởng nhiều. Bộ không được lấy vào tiền đấy”, TS Lê Viết Khuyến nêu quan điểm.
TS Khuyến cho rằng, khi đó thế độc quyền trong việc in ấn, phát hành của NXB Giáo dục Việt Nam sẽ bị phá bỏ. NXB Giáo dục Việt Nam trực thuộc Bộ cũng phải tách ra, hạch toán độc lập.
“ Nếu cần thì NXB Giáo dục Việt Nam có thể đứng ra tổ chức viết một bộ sách giáo khoa nhưng cũng không được lấy ngân sách nhà nước. Như vậy, NXB Giáo dục Việt Nam mới thấy trách nhiệm”, TS Khuyến nêu quan điểm.
Bộ GD-ĐT có nên viết một bộ sách giáo khoa hay không?
|
Cũng có cùng quan điểm này, thạc sỹ Lê Xuân Trung (Hiệu trưởng THPT Lê Lợi, Hà Đông, Hà Nội) cho rằng NXB Giáo dục Việt Nam cần phải đặt ra ngoài Bộ và tham gia viết sách giáo khoa như các tổ chức, cá nhân khác.
Bộ GD-ĐT cần phải làm mạnh mẽ để nâng cao trách nhiệm của các đơn vị tham gia viết sách giáo khoa, tránh trường hợp có sự ưu ái nhất định cho đơn vị trực thuộc Bộ.
Trước ý kiến chuyên gia băn khoăn về việc hỗ trợ tài chính cho các tác giả viết sách giáo khoa, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, hiện nay Bộ chưa nghĩ tới chuyện hỗ trợ kinh phí.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển thừa nhận việc các cá nhân, tổ chức bỏ tiền ra viết sách có rủi ro nhưng chính mức độ rủi ro này để nâng cao trách nhiệm.
Tuy nhiên, để tránh rủi ro ở mức tối đa, Thứ trưởng Hiển cho rằng đang tính tới việc phải thẩm định từ khi có đề cương chứ không thể để đến lúc viết sách mới thẩm định.
Thứ trưởng Hiển khẳng định Bộ GD-ĐT chỉ chỉ đạo viết chứ bộ không viết sách, và bộ không in và phát hành sách giáo khoa, chuyện ai in, ai bán là chuyện của thị trường.
Việc lựa chọn sách giáo khoa trong nhà trường nên tiến hành như thế nào cho hợp lý, bởi khi có nhiều sách giáo khoa các trường sẽ dựa vào điều kiện cũng như đặc thù của địa phương.
Vấn đề này, Thứ trưởng Hiển cho biết, có thể các tổ bộ môn nên đứng ra lựa chọn, nhưng kèm theo đó sẽ có quy định hướng dẫn làm đúng thủ tục chọn sách để được khách quan nhất.
Quá trình thay sách được lãnh đạo Bộ GD-ĐT hình dung là; từ năm thứ nhất sẽ thay sách của lớp 1 đến lớp 5, còn bậc cao hơn sẽ là lớp 6 và lớp 10 năm đầu tiên, lớp 7 và 11 năm thứ hai, lớp 8 và 12 năm thứ ba, lớp 9 năm thứ tư.
Phạm Thịnh
Bình luận