• Zalo

Bỏ thi THPT quốc gia: Khó đảm bảo chất lượng đầu vào, mất công bằng với học sinh

Diễn đànThứ Năm, 16/04/2020 14:12:32 +07:00Google News
(VTC News) -

Chuyên gia lo ngại nếu bỏ thi THPT quốc gia và xét tốt nghiệp sẽ khó đảm bảo chất lượng đầu vào đại học, vì đánh giá học bạ học sinh mỗi nơi một khác, chưa đồng đều.

PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Đại học Giao thông Vận tải cho biết, trường đang xét học bạ với đầu vào một số ngành nhưng chỉ dừng lại ở mức 10-20% theo chỉ tiêu được giao. Điều này nhằm tạo điều kiện cho các thí sinh có cơ hội được vào đại học. Tuy vậy, tỷ lệ xét học bạ để đảm bảo ngưỡng chất lượng sinh viên chung sau khi nhập trường.

Phần lớn công tác tuyển sinh đầu vào từ 3 năm trở lại đây đều căn cứ vào kết quả thi THPT quốc gia là chính. Trong trường hợp xấu nhất, Bộ GD&ĐT không tổ chức thi, chắc chắn nhà trường sẽ gặp khó khăn trong việc xác định đầu vào. Vì thời gian từ nay đến tháng 9 còn lại không nhiều, các trường cũng khó có thể đưa ra phương án thi tuyển sinh riêng chất lượng được.

PGS Chương phân tích, nếu sử dụng phương thức xét tuyển học bạ các kỳ học của các môn theo tổ hợp tuyển sinh của trường vẫn có thể lựa chọn được thí sinh. Nhưng cách làm này sẽ không khách quan do kết quả học tập và cách đánh giá của các trường THPT, các địa phương cũng có sự khác nhau.

Ông mong Bộ GD&ĐT sớm công bố phương thức thi THPT, tạo điều kiện cho các trường có biện pháp bổ sung thêm trong tuyển sinh cho phù hợp.

Bỏ thi THPT quốc gia: Khó đảm bảo chất lượng đầu vào, mất công bằng với học sinh - 1

 Các trường đại học lo ngại nếu bỏ thi THPT quốc gia và xét tuyển đầu vào bằng học bạ.

Đồng quan điểm, trên báo Tiền Phong, PGS.TS Bùi Quốc Triệu, Trưởng phòng đào tạo, Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, nếu Bộ GD&ĐT vẫn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2020 thì nhà trường giữ nguyên phương án tuyển sinh như công bố.

Kỳ thi THPT quốc gia có ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội và sự phát triển của đất nước, tính công bằng, minh bạch và niềm tin của dân. Vì thế Chính phủ, Bộ GD&ĐT phải hết sức thận trọng. Các quyết định về thi cần tính đến quyền lợi của học sinh, thí sinh. Không nên quá coi trọng quyền lợi của các trường đại học hay của Sở GD&ĐT.

Nếu Bộ GD&ĐT không tổ chức thi THPT quốc gia năm 2020 thì nhà trường dự kiến sẽ tổ chức thi riêng. Mục đích kỳ thi này nhằm đảm bảo chất lượng và không gây xáo trộn cho học sinh.

Lý giải vì sao không xét học bạ, PGS.TS Bùi Đức Triệu cho rằng hình thức này không công bằng với tất cả các thí sinh và thậm chí không xét được. Các trường top đầu xét học bạ vỡ trận ngay lập tức vì các học bạ của thí sinh giống nhau. Nên phương án này không khả thi.

Thực tế, nếu không thi THPT quốc gia, các trường đại học vẫn chủ động được phương án tuyển sinh nhưng thí sinh sẽ rối như cờ, học một kiểu thi một kiểu, thi hết trường này đến trường khác. PGS Bùi Đức Triệu dự đoán nếu không thi THPT, mỗi thí sinh sẽ thi không dưới 5 trường nên dẫn đến rất nhiều hệ lụy.

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19, theo bạn có nên bỏ kỳ thi THPT quốc gia 2020?

Theo PGS.TS Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Đại học Huế, bỏ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp sẽ gây nhiều xáo trộn. Không thể cầm giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT để xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Từ xưa tới nay, kỳ thi cuối cấp là thước đo quan trọng để phân tầng học sinh phổ thông tốt nghiệp, giúp cơ sở giáo dục đại học tuyển chọn học sinh cho các ngành nghề với yêu cầu chất lượng khác nhau. Đây cũng là dịp trường đại học về cơ sở giáo dục phổ thông kiểm tra, giám sát chất lượng và kết quả kỳ thi. 

Với các đại học đa ngành, có ngành học yêu cầu đầu vào cao, chẳng hạn như khoa học sức khỏe, cần phải lựa chọn sinh viên có chất lượng. Những ngành khoa học cơ bản khó tuyển sinh, song cũng cần sinh viên giỏi và sàng lọc những bạn yếu kém hơn.

Bởi vậy, nếu bối cảnh dịch bệnh kéo dài, khó hoàn thành chương trình lớp 12, việc trường tuyển sinh căn cứ theo học bạ sẽ gặp những khó khăn, đặc biệt với ngành yêu cầu chất lượng thí sinh đầu vào phải tốt mới đáp ứng được nhu cầu đào tạo, ông Linh nhấn mạnh.

Bỏ thi THPT quốc gia: Khó đảm bảo chất lượng đầu vào, mất công bằng với học sinh - 2

 Các địa phương và trường đại học, cao đẳng đợi quyết định từ Bộ GD&ĐT

Ông Ma Thế Quyên, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Kạn nhận định, mọi thay đổi thời điểm này đều làm xáo trộn tâm lý học trò. Các em sẽ băn khoăn, lo lắng nếu xét tốt nghiệp và trường đại học, cao đẳng chủ động tuyển sinh thì phương án thế nào, sẽ khó khăn ra sao, trong thời gian ngắn các em có đáp ứng được yêu cầu của trường để được vào học tiếp…

Nhóm học sinh khá, giỏi ước mơ vào giảng đường đại học phấn đấu rất nhiều và sẽ rất tâm tư nếu bỏ kỳ thi THPT quốc gia. Nếu đưa ra quyết định bỏ thi THPT quốc gia, ở khía cạnh nào đó, có thể không công bằng với học sinh. Nên chỉ bất khả kháng khi dịch tiếp tục phức tạp ta mới nên không tổ chức kỳ thi này.

Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Kạn nhấn mạnh, nếu trước 15/6 học sinh đi học trở lại thì nên tổ chức tiếp kỳ thi để tạo công bằng, an tâm cho người học.

Video: Sinh viên xếp hàng đo thân nhiệt trong ngày quay lại trường từ tháng 3/2020

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn