• Zalo

Bố thí cho người ăn xin là tiếp tay những kẻ làm nhơ nhuốc nơi bạn sống

Bạn đọc viếtThứ Tư, 21/08/2019 17:59:00 +07:00Google News

Đừng bố thí cho người ăn xin nữa, vì như vậy chính bạn đang tiếp tay cho những kẻ làm nhơ nhuốc thành phố đáng sống của bạn và người thân.

Có lần đang chạy xe trên đường Phạm Văn Đồng hướng từ sân bay Tân Sơn Nhất về quận Thủ Đức (TP.HCM), khi vừa đến vòng xoay Nguyễn Thái Sơn, tôi bắt gặp một đứa bé nhỏ thó, đen nhẻm ngồi bên cạnh người phụ nữ bán tăm.

Khi dàn xe máy vừa dừng đèn đỏ, đứa bé ngay lập tức lao ra như quán tính, chìa cái mũ chuẩn bị sẵn, nhưng chẳng nói lời nào. Có ai cho tiền, đứa bé lập lức nắm trong tay, đưa đến cho người phụ nữ và ngồi chờ cho đến khi có nhóm xe khác dừng đèn đỏ.

Liên tục như thế, hết ngày này qua ngày khác, đứa bé vẫn cứ lặng lẽ làm “công việc” của mình. Còn người phụ nữ, khi đứa bé đem tiền về thì lập tức nhét vào túi và lại ngồi chờ đợi.

Hay lần khác, đang chạy xe trên đường Trường Chinh đoạn gần khu công nghiệp Tân Bình, khi vừa dừng chờ đèn đỏ, một người phụ nữ bế theo đứa trẻ nằm im lìm trên tay, lao ra chặn trước xe tôi và chìa mũ xin tiền. Gần đó, một nhóm người khác, ăn mặc rách rưới đang theo dõi, chờ đợi.

Những hình ảnh này giờ quen thuộc đến nỗi như một nét “đặc sản” không mong muốn của đô thị nổi tiếng xa hoa bậc nhất cả nước.

an-xin-o-tphcm1

 Hình ảnh người phụ nữ bế đứa nhỏ ngồi xin tiền bên lề đường Lê Đại Hành (TP.HCM).

Tình trạng các đội quân “cái bang” xuất hiện quá nhiều và trở nên biến tướng là vấn đề nhức nhối cho những nhà quản lý đô thị.

Nhóm người ăn xin này lợi dung sự thương hại, dựa vào lòng tốt của người khác để trục lợi cho bản thân. Nhiều kẻ còn xem ăn xin như một nghề dễ kiếm sống, nhàn hạ, thậm chí còn thu nhập cao hơn cả những người vừa cho tiền họ.

 
Lòng tốt, nhân ái được ủng hộ nhưng cần đặt đúng nơi, đúng người. Nếu không, nó chỉ khiến cho người nhận coi rẻ mà ỷ lại, chây ì và khiến lòng tốt đó trở nên phung phí.

Năm 2015, vụ cướp tài sản của một ông già ăn xin ở Đồng Tháp khiến không ít người phải ngỡ ngàng bởi ông sở hữu một tài sản đáng nể.

Theo đó, ông Nguyễn Văn Cưng (86 tuổi, trú huyện Tân Hồng) trình báo có tới 25 lượng vàng trong túi quần vừa bị cướp. Theo cơ quan chức năng, do mâu thuẫn gia đình, ông Cưng bỏ ra ngoài sống lang thang và thường đi ăn xin ở các chợ tại Đồng Tháp. Số tiền có được ông đều mua vàng và mang theo trong người.

Năm 2012, cụ Phạm Thị Hiền (82 tuổi), sống neo đơn trong một căn lều rách ở Đà Lạt đột tử, để lại 50 cây vàng. Sự ra đi đột ngột của cụ Hiền khiến cơ quan chức năng cũng phải bối rối khó xử vì số tài sản giá trị của cụ để lại.

Cụ Hiền hành nghề ăn xin nhưng tổng số vàng cụ mang theo người tới 50 lượng. Ngoài ra, cụ còn có giấy xác nhận gửi 233,8 chỉ vàng tại một ngân hàng và giấy gửi 350 triệu đồng tại một ngân hàng khác.

Cứ thế, nhiều người giả nghèo, giả khổ để đánh vào lòng tốt của người khác, sẵn sàng “móc túi” những người phải bỏ công sức để mưu sinh vất vả.

Biến tướng hơn, nhóm người này giờ không còn hoạt động đơn lẻ. Họ lập thành từng nhóm, hoạt động phân chia giờ giấc rõ ràng, rồi tổ chức bảo kê, chăn dắt và bóc lột sức lao động của người già, người tàn tật và trẻ em để đi ăn xin, sau đó về ăn chia "chiến lợi phẩm".

an-xin-o-tphcm2

Hai cháu bé ở Đắk Lắk bị người lạ ép đi xin ăn ở TP.HCM. (Ảnh: KH) 

Những nhóm người này gây ám ảnh cho nhiều người dân và khiến thành phố xấu xí trong mắt du khách quốc tế.

Trước đây, UBND TPHCM từng ra quyết định về việc lực lượng chức năng của thành phố ra quân đưa những người ăn xin, vô gia cư vào các trung tâm bảo trợ xã hội từ 28/12/2014. Thế nhưng tình trạng này này vẫn diễn ra.

Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cũng vừa có văn bản đề nghị chính quyền các quận, huyện cần tập trung giải quyết nhằm giảm thiểu và đi đến chấm dứt tình trạng người xin ăn, người sinh sống tại các lòng đường, vỉa hè, nhất là tại các cửa ngõ, công viên, khu vực có đông người dân và du khách tham quan để giữ gìn hình ảnh của một thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Sở cũng khuyến khích người dân thành phố không trực tiếp cho tiền người xin ăn trên đường phố. Thay vào đó, người dân muốn giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ mồi côi, người cao tuổi nên thông qua các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức từ thiện của thành phố.

Thực tế, cứ cho tiền người ăn xin không có nghĩa là nhân đạo, nghĩa hiệp. Lòng tốt, nhân ái được ủng hộ nhưng cần đặt đúng nơi, đúng người. Nếu không, nó chỉ khiến cho người nhận coi rẻ mà ỷ lại, chây ì và khiến lòng tốt đó trở nên phung phí. Cũng chính lòng tốt không đúng chỗ đấy khiến cho các tệ nạn xã hội xuất hiện càng nhiều.

Những người ăn xin không nơi cư trú, không có khả năng lao động nên được chuyển đến các cơ sở xã hội chăm sóc lâu dài. Những người xác định được nơi cư trú, còn sức lao động thì tạo điều kiện cho học các nghề dễ tìm việc và hỗ trợ tìm kiếm việc làm khi ra nghề. Họ cần được học cách tự lao động thay vì chờ đợi sự bố thí của người khác.

Đề nghị này được phần đông người dân ủng hộ. Nhiều người cho rằng, nếu không dẹp được nạn ăn xin, tệ nạn xã hội ở TP.HCM sẽ trầm trọng hơn. Việc này cần sự quyết tâm của chính quyền và sự chung tay của người dân thành phố thì nạn ăn xin mới có thể được dẹp bỏ, hình ảnh khiến đô thị bị nhơ nhuốc bởi nhóm người này sẽ không còn nữa.

Vậy nên, đừng bố thí cho người ăn xin nữa, vì như vậy chính bạn đang tiếp tay cho những kẻ làm nhơ nhuốc thành phố đáng sống của bạn và người thân.

Độc giả có đồng tình với quan điểm tác giả bài viết? Hãy bày tỏ ý kiến của mìnhTẠI ĐÂYhoặc gửi trong ô bình luận ở bên dưới.

Tân Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn