• Zalo

Bỏ tên chủ đầu tư Hoa Sen trong quy hoạch ngành thép Cà Ná

Kinh tếThứ Hai, 12/12/2016 15:30:00 +07:00Google News

Bộ Công Thương đã bỏ tên Tập đoàn Hoa Sen là chủ đầu tư dự án thép Cà Ná - Ninh Thuận mà dự thảo lần 1 đưa ra.

Ngày 11/12, Bộ Công Thương đã công bố Dự thảo lần 2 Quyết định Phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và đông đảo người dân trong và ngoài nước để tiếp tục chỉnh sửa, hoàn chỉnh.

Theo Dự thảo được công bố, Việt Nam sẽ nâng cao tỉ trọng sản xuất thép thô từ gang lỏng và sắt xốp sản xuất trong nước. Năm 2020 sản xuất 21 triệu tấn; năm 2025 đạt 46 triệu tấn; năm 2035 đạt 55 triệu tấn gang và sắt xốp.

Trong lĩnh vực sản xuất phôi thép, năm 2020 sản xuất đạt 32,3 triệu tấn; năm 2025 đạt 57,3 triệu tấn; năm 2035 đạt 66,3 triệu tấn phôi thép. Phấn đấu tỉ lệ phôi sản xuất từ gang theo công nghệ lò cao/sắt xốp năm 2020 đạt 65%, năm 2025 đạt 80% và năm 2035 đạt 83%.

Bo Cong Thuong bo ten Hoa Sen khoi thep Ca Na

Bộ Công Thương đã bỏ tên Tập đoàn Hoa Sen là chủ đầu tư dự án thép Cà Ná - Ninh Thuận mà dự thảo lần 1 đưa ra

“Quy hoạch là căn cứ pháp lý để các Chủ đầu tư đề xuất dự án trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư theo qui định của pháp luật về đầu tư. Các bộ, ngành và địa phương tăng cường quản lý, giám sát việc triển khai các dự án đảm bảo phù hợp với quy hoạch”, dự thảo nhấn mạnh.

Trong dự thảo lần này, Bộ Công Thương bỏ đi nội dung “tiếp tục thực hiện lâu dài và ổn định chính sách khuyến khích và thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế cho phát triển sản xuất thép”.

Về danh mục các dự án trong quy hoạch ngành thép Việt Nam giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 vẫn có tên Khu liên hợp luyện cán thép Cà Ná – Ninh Thuận, Thép Dung Quất – Quảng Ngãi, Thép Nghi Sơn – Thanh Hóa...

Theo đó, dự án thép Cà Ná - Ninh Thuận sẽ thực hiện 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2016-2020, giai đoạn 2 từ 2021-2025 và giai đoạn 3 từ 2026-2035. Dự án thép với tổng công suất thiết kế lên tới 16 triệu tấn/năm.

Đáng chú ý, trong dự thảo lần này, Bộ Công Thương không đưa tên chủ đầu tư đi kèm với các dự án cụ thể, trong đó bỏ cả tên Tập đoàn Hoa Sen là chủ đầu tư dự án thép Cà Ná - Ninh Thuận mà dự thảo lần 1 đã nêu.

Trong văn bản của Bộ Công Thương cũng đưa ra các giải pháp về vốn đầu tư, quản lý đầu tư; giải pháp đối với thị trường trong và ngoài nước; giải pháp nguồn nhân lực cũng như các giải pháp về công nghệ và đảm bảo yếu tố môi trường.

Đặc biệt, Bộ Công Thương đã loại 12 dự án thép ra khỏi Quy hoạch đến năm 2025, tầm nhìn 2035.

Các dự án bao gồm: Nhà máy phôi thép Lào Cai, Nhà máy sản xuất gang Thiên Thanh, Dự án đầu tư khu liên hợp gang thép Khoáng sản Việt. Nhà máy luyện thép Hà Giang, Nhà máy luyện gang và phôi thép Sơn La, Nhà máy sắt xốp và gang thép Bắc Kạn, Nhà máy luyện cán thép chất lượng cao Ninh Bình, Nhà máy thép Việt Ý giai đoạn 2, Nhà máy luyện gang thép Quảng Bình, Nhà máy thép HK và thép CLC 2 giai đoạn , Dự án mở rộng gang thép Thái Nguyên giai đoạn 3, Nhà máy thép Hậu Giang 2 giai đoạn.

Tổng công suất thiết kế dự kiến của 12 dự án trên là 1.350 tấn gang, sắt xốp và 6.520 tấn phôi vuông/năm. Nguyên nhân của việc dừng các dự án trên do có những một số dự án có quy mô nhỏ, nguồn nguyên liệu không đảm bảo. Có những dự án triển khai chậm, năng lực chủ đầu tư kém, không thuộc phạm vi quy hoạch. Đặc biệt, có những dự án do địa phương đề nghị bỏ.

(Nguồn: Báo Đất Việt)
Bình luận
vtcnews.vn