• Zalo

Bỏ rừng làm hồ thủy lợi Ka Pét: Quy trình duyệt báo cáo tác động môi trường thế nào?

Đầu TưThứ Năm, 07/09/2023 11:42:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo đại diện Bộ TN&MT, để được duyệt báo cáo tác động môi trường, dự án phải trải qua nhiều khâu với sự tham gia của các cơ quan quản lý, chuyên gia, nhà khoa học.

Thông tin với phóng viên VTC News sáng 7/9, ông Nguyễn Hưng Thịnh, Vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, dự án hồ thủy lợi Ka Pét được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào năm 2019 và điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tại kỳ họp 5 Quốc hội khoá XV mới đây (tháng 5/2023).

Sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, UBND tỉnh Bình Thuận (chủ đầu tư dự án) đang thực hiện các bước để triển khai dự án, trong đó có nội dung xây dựng Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).

Cũng theo ông Thịnh, vừa qua, chủ đầu tư đã tổ chức lấy ý kiến, tham vấn cộng đồng ĐTM dự án qua nhiều kênh, trong đó có cổng thông tin của Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định (điều 33, Luật Bảo vệ môi trường).

Kết quả tham vấn này sẽ là một trong những căn cứ để phía chủ đầu tư đề nghị thẩm định ĐTM tới cơ quan thẩm định là Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên đến thời điểm này, phía Bộ chưa nhận được đề nghị thẩm định ĐTM dự án từ chủ đầu tư”, ông Thịnh cho biết.

Trong hơn 619 ha rừng bị bỏ đi, có những mảnh rừng đã tồn tại từ lâu đời, gắn liền không gian sống của người dân tộc Rai (Raglai) hàng trăm năm qua. (Ảnh: Ngọc Trâm).

Trong hơn 619 ha rừng bị bỏ đi, có những mảnh rừng đã tồn tại từ lâu đời, gắn liền không gian sống của người dân tộc Rai (Raglai) hàng trăm năm qua. (Ảnh: Ngọc Trâm).

Về trình tự thẩm định ĐTM dự án, lãnh đạo Vụ môi trường cho biết, sau khi nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định ĐTM của dự án Hồ chứa nước Ka Pét từ UBND tỉnh Bình Thuận thì Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có quyết định thành lập hội đồng thẩm định để đánh giá ĐTM của dự án. 

Thành viên hội đồng thẩm định ĐTM bao gồm đại diện cơ quan quản lý nhà nước và các chuyên gia, nhà khoa học về môi trường.

Ông Nguyễn Hưng Thịnh khẳng định: “Đây là một dự án quan trọng của quốc gia cũng như của tỉnh Bình Thuận, vì vậy chúng tôi cũng mong nhận thêm thông tin từ nhiều phía, nhất là từ các cơ quan truyền thông để có đầy đủ thông tin đánh giá dự án”.

Trước đó, trả lời phóng viên VTC News liên quan việc tỉnh Bình Thuận cho bỏ hơn 600 ha rừng để thực hiện dự án hồ chứa nước Ka Pét, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - bày tỏ sự bất ngờ khi những ngày qua dư luận, báo chí phản ánh vấn đề này.

"Từ năm 2019 (dự án được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV vào tháng 5/2019) không có ý kiến gì, bây giờ lại có ý kiến nên tôi cũng thấy hơi lạ", bà Thủy nói.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy cho biết, dự án hồ Ka Pét là dự án nhóm B (dự án nhỏ) thuộc thẩm quyền quyết định của tỉnh. Tuy nhiên do có tiêu chí yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng nên theo quy định pháp luật thì Quốc hội phải cho chủ trương đầu tư. Cùng đó, Chính phủ phải trình hồ sơ chứ không phải UBND tỉnh Bình Thuận.

"Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường là cơ quan thẩm tra về sự cần thiết để thực hiện dự án, phương pháp thực hiện dự án, trình tự thủ tục dự án... Chúng tôi thẩm tra dựa trên số liệu của Chính phủ cung cấp", bà Thuỷ thông tin.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, để có được hồ sơ trình cho cơ quan thẩm tra, Chính phủ phải lập hội đồng cho ý kiến với sự tham gia của các Bộ, ban, ngành...Chính phủ giao địa phương thuê các đơn vị nghiên cứu có chuyên môn để khảo sát, đánh giá và việc thống kê rừng cũng phải theo các thông tư, quy chuẩn, tiêu chuẩn.

"Chúng tôi thẩm tra xem Chính phủ thực hiện quy trình có đúng hay không, còn tính chính xác của số liệu đến đâu thì Chính phủ phải chịu trách nhiệm. Quy trình thẩm tra của cơ quan thẩm tra diễn ra chặt chẽ, đúng theo quy định của pháp luật", bà Nguyễn Thị Lệ Thủy khẳng định.

Bà Thủy cho biết, hồ sơ dự án hồ chứa nước Ka Pét nói riêng và các dự án khác nói chung trước khi được đặt trên bàn của cơ quan thẩm tra phải đầy đủ thành phần, đủ ý kiến, đúng quy định thì mới được tiếp nhận.

Chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (tháng 5/2019).

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chính phủ trình tờ trình điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án này. Trong các nội dung điều chỉnh, diện tích sử dụng đất của dự án lên gần 698 ha (tăng gần 4,5 ha so với phê duyệt ban đầu).

Trong đó, đất có rừng khoảng 620 ha (giảm 60,83ha) gồm đất rừng đặc dụng là 137,95 ha (giảm 24,6 ha), đất rừng phòng hộ là 0,51 ha (giảm 0,4ha), đất rừng sản xuất là 440,4 ha (giảm 30,69 ha), đất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 40,72 ha (giảm 5,13 ha).

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn