• Zalo

Bỏ quên tái cơ cấu Ngân hàng Nhà nước?

Kinh tếThứ Hai, 20/06/2016 11:28:00 +07:00Google News

Chính phủ vừa chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tiếp tục xây dựng đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 2016-2020 nhưng việc tái cơ cấu chính Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa từng được đặt ra cụ thể kể từ khi thực hiện công cuộc này năm 2011.

Trong khi đó, đúng 10 năm về trước, Ngân hàng Nhà nước đã từng nghiên cứu, xây dựng đề án, gọi là cải cách, với mong muốn tạo những thay đổi lớn cho chính mình.Những nội dung đặt ra khi đó đến nay vẫn còn tươi mới.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được xác định trong luật là cơ quan ngang bộ của Chính phủ. 

Đâu là mục tiêu ưu tiên?

Mong muốn trên đã sớm được Bộ Chính trị ủng hộ, bằng kết luận tại Thông báo số 191-TB/TW năm 2005, trong đó nêu rõ: “Tổ chức lại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với cơ cấu và tính chất hoạt động như một Ngân hàng Trung ương hiện đại, hoạt động theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với thông lệ quốc tế...”.

Ngay sau đó, nửa đầu năm 2006, Ngân hàng Nhà nước tập trung nghiên cứu, xây dựng đề án cụ thể và tổ chức hội thảo quốc tế lấy ý kiến. Một nội dung trọng tâm của đề án khi đó là xác định các mục tiêu hoạt động của Ngân hàng Nhà nước.

Luật Ngân hàng Nhà nước trước đây xác định: “Hoạt động của Ngân hàng Nhà nước nhằm ổn định giá trị đồng tiền, góp phần bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Về sau, luật bổ sung thêm một mục tiêu nữa: “Bảo đảm sự an toàn, hiệu quả của hệ thống thanh toán quốc gia”.Từ chục năm trước, đứng trước các mục tiêu đó, các chuyên gia đã từng băn khoăn tại hội thảo quốc tế trên: đâu là mục tiêu ưu tiên, thứ tự ưu tiên của nó? Băn khoăn, vì cùng lúc thực hiện các mục tiêu đó có thể xung đột nhau.

Trong hai ngày 22-23/3/2006, Ngân hàng Nhà nước tổ chức một hội thảo khoa học quốc tế, hầu hết các ý kiến đều chỉ tập trung ở hai mục tiêu chính: ổn định giá trị đồng tiền, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng, cũng như bảo đảm an toàn, hiệu quả của hệ thống thanh toán quốc gia.

Trong đó, mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền gần như thống nhất ở các ý kiến là đặt lên hàng đầu, tối thượng, mà thể hiện ở việc kiểm soát lạm phát, gần gũi hơn nữa là chi phí đời sống người dân.Còn mục tiêu “thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội” hầu như không có vị trí danh dự trong khuyến nghị của các chuyên gia quốc tế đưa ra tại hội thảo trên.

Cảnh báo trong quá khứ

“Thúc đẩy phát triển kinh tế”, đặc trưng nổi bật của Việt Nam những năm qua và cho đến nay là đòn bẩy tín dụng luôn ở mức cao. Cùng đó, đặc biệt những năm gần đây, sự lấn át ngày càng lớn của chính sách tài khóa, hay yêu cầu tài trợ vốn từ chính sách tiền tệ cho hoạt động vay mượn của Chính phủ, qua phát hành trái phiếu.

Trong khi đó, từ cả chục năm trước, tại hội thảo nói trên, các chuyên gia quốc tế đều đã lên tiếng cảnh báo.Ông Lars Nyberg, Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Thụy Điển khi đó nêu quan điểm: Điều cần nhấn mạnh là chính sách tiền tệ không thể tác động trực tiếp đến xu hướng phát triển dài hạn của nền kinh tế. Ảnh hưởng lớn nhất của chính sách tiền tệ là góp phần gián tiếp vào những diễn biến thuận lợi của nền kinh tế bằng cách đảm bảo rằng lạm phát được duy trì ở mức thấp và ổn định để đạt được sự ổn định tài chính.

Theo đó, ông Nyberg cảnh báo sự lạc quan thái quá khi lạm dụng chính sách tiền tệ nới lỏng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.“Sự thúc đẩy mạnh về ngắn hạn của một chính sách tiền tệ bành trướng có thể là sự khởi đầu của kỳ vọng lạm phát cao hơn mà điều này sẽ trở nên rất khó kiểm soát, dẫn đến sự sụt giảm sản lượng trong dài hạn”, báo cáo kết quả hội thảo ngày 22-23/3/2006 dẫn lại cảnh báo của ông Nyberg.

Cũng chính từ thời điểm đó, với dấu ấn gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), kinh tế Việt Nam thăng hoa. Đòn bẩy tăng trưởng tín dụng bùng nổ, có năm lên tới trên 53%. Và không lâu sau đó, cảnh báo trên hiện thực ở sự leo thang khủng khiếp của lạm phát, kéo dài đến 2011.

Cũng tại hội thảo nói trên, ông Karl Habermeier, cố vấn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nêu quan điểm: khi cải cách và hướng đến xây dựng một ngân hàng trung ương hiện đại, cần xác định rõ, trong quan hệ với ngân sách chính phủ, luật pháp cần ngăn cấm hoặc hạn chế nghiêm ngặt việc ngân hàng trung ương cho vay Chính phủ.

Gần với quan điểm trên, kết luận của hội thảo cũng nêu quan điểm chung rằng: trong bối cảnh của Việt Nam, một khi Ngân hàng Nhà nước vẫn phải theo đuổi đa mục tiêu và phải tiếp tục tham gia vào thị trường sơ cấp trái phiếu Chính phủ; một khi các thị trường tài chính chưa đủ độ sâu để Ngân hàng Nhà nước thôi không phải thực hiện chức năng tài trợ vốn cho khu vực kinh tế nhà nước, thì trong ngắn hạn, Việt Nam sẽ chưa thể có được một ngân hàng trung ương độc lập thực sự.

Quá khứ vẫn là… hiện tại

Đã chục năm trôi qua, những vấn đề trên vẫn còn đó.

Mặc dù, ở các nội dung khác của tái cơ cấu, Ngân hàng Nhà nước đã làm được nhiều việc. Như xây dựng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ, điều tiết thị trường ngày càng chuyên nghiệp, linh hoạt và hiệu quả hơn; tái cấu trúc bộ máy, các vụ cục chức năng, mà nổi bật là xây dựng và phát triển nhanh cơ quan thanh tra giám sát…Thế nhưng, lõi của tái cơ cấu là việc xác định các mục tiêu, thứ tự ưu tiên, hạn chế những xúc đột giữa chúng, đến nay vẫn như từng đặt ra chục năm trước. Một khi vẫn loay hoay, vẫn phải nhượng bộ, thậm chí thụ động (do mức độ độc lập có hạn) khi cân đối giữa các mục tiêu, thì hiệu lực và hiệu quả của chính sách tiền tệ sẽ bị hạn chế.

Cùng lúc Ngân hàng Nhà nước đang phải gồng gánh cả chục mục tiêu, yêu cầu lớn nhỏ, trực tiếp và gián tiếp.

Đó là một “đơn hàng” đa mục tiêu được Quốc hội và Chính phủ giao: kiểm soát lạm phát dưới 5%, giảm được lãi suất, bình ổn được tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối, tăng được tín dụng hợp lý để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, phối hợp (đúng hơn là hỗ trợ về nguồn) với chính sách tài khóa để phát hành trái phiếu Chính phủ đạt kết quả tốt cho yêu cầu cân đối ngân sách…

Trong bối cảnh đó, với các thông điệp đã thể hiện, Chính phủ đang cho thấy quyết tâm thực hiện được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm ngoái, dù những tháng đầu năm đã bộc lộ khó khăn khi tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ.

Và gần đây, đã có những bình luận nhìn nhận về việc Ngân hàng Nhà nước với động thái nới lỏng tiền tệ, cùng áp lực thực hiện yêu cầu giảm được lãi suất cho vay mà Chính phủ đã giao. Còn lạm phát, những mức tăng cao đã thể hiện những tháng gần đây…

Nguồn: VnEconomy(Nguồn: VnEconomy)
Bình luận
vtcnews.vn