• Zalo

Bỏ phạt xe không chính chủ, mũ rởm: Chuyên gia nói gì?

Thời sựThứ Tư, 24/07/2013 05:00:00 +07:00Google News

(VTC News) – Các chuyên gia về giao thông nói gì trước đề xuất bỏ xử phạt xe không chính chủ, mũ bảo hiểm rởm của Bộ Giao thông vận tải?

(VTC News) – Các chuyên gia về giao thông nói gì trước đề xuất bỏ xử phạt xe không chính chủ, mũ bảo hiểm rởm của Bộ Giao thông vận tải?

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa công bố Dự thảo mới nhất (lần 6) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt.

Điểm mới trong dự thảo lần này là Bộ GTVT không đưa vào quy định xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện (còn gọi là xe không chính chủ) và hành vi đội mũ bảo hiểm rởm với lí do không phù hợp với thực tế nên tính khả thi không cao.

Bộ GTVT không đưa vào quy định xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện (còn gọi là xe không chính chủ) và hành vi đội mũ bảo hiểm rởm.
Bộ GTVT không đưa vào quy định xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện (còn gọi là xe không chính chủ) và hành vi đội mũ bảo hiểm rởm.  

Đề xuất này đã nhận được rất nhiều sự đồng tình, ủng hộ của người dân cả nước, đặc biệt là các chuyên gia về giao thông. Tuy nhiên, không ít chuyên gia lo ngại người dân còn hiểu lầm hai khái niệm “chính chủ” và “mũ bảo hiểm rởm” dẫn tới tái phạm, xem thường luật pháp.


Trong khi số khác sợ rằng nếu được thông qua, thị trường mũ bảo hiểm rởm sẽ bùng nổ, sôi động trở lại nếu khâu quản lý thị trường không được siết chặt.

Bỏ phạt xe không chính chủ, phải có quy định mới thay thế

Trao đổi với phóng viên VTC News, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho hay: “Về bỏ quy định xử phạt người đội mũ bảo hiểm rởm, tôi đồng tình với đề xuất của Bộ Giao thông vận tải vì không thể phạt người sử dụng được mà nên phạt những kẻ sản xuất, kinh doanh. Nhiều khi người tiêu dùng bị lừa, mua phải hàng rởm, kém chất lượng.

Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội
Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội  
Muốn mũ bảo hiểm rởm không tràn lan thì phải xử phạt người bán. Lực lượng quản lý thị trường phải thường xuyên kiểm tra để phát hiện những cơ sở chuyên sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm rởm, xem đó là hàng giả để ngăn chặn tận gốc tình trạng này”.


Thế nhưng, ông Liên còn nhiều băn khoăn trước việc bỏ xử phạt xe không chính chủ.

“Đối với việc bỏ xử phạt xe không chính chủ, tôi cho rằng nên đưa vào quy định của pháp luật bởi như thế sẽ tốt hơn cho giới chức khi điều tra nếu xảy ra tai nạn. Tôi không nói giữ nguyên quy định này, nhưng các Bộ nên ngồi lại với nhau, có giải pháp để quản lý tốt hơn.

Xe chính là nguồn phương tiện nguy hiểm gây ra tai nạn. Nếu không chính chủ, khi xảy ra va chạm, lái xe bỏ chạy thì không biết phải điều tra ra sao. Chưa kể với ô tô còn rất phiền phức.

Theo quy định của pháp luật, chủ sở hữu ô tô phải liên đới với việc khắc phục hậu quả. Nếu chủ sở hữu bán cho hết người nọ tới người kia, không tìm được chủ sở hữu ban đầu thì việc xử lý trách nhiệm dân sự sẽ gặp nhiều khó khăn.

Xử phạt hay không xử phạt không đáng quan tâm bằng việc sớm có giải pháp để những ai chưa sang tên chính chủ phải làm ngay việc đó”, ông Liên nói.

Cũng theo ông Liên, ngay cả quy định phạt chủ phương tiện không lắp thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) cũng chưa đúng vì cái đó phải phạt từ nhà sản xuất. Nhiều nhà sản xuất dù được cấp đầy đủ các giấy chứng nhận, nhưng hoạt động không tốt, sản xuất ra nhiều sản phẩm kém chất lượng đưa tới tay các doanh nghiệp vận tải. Nếu phạt các doanh nghiệp vận tải thì sẽ gây khó cho họ.

Phải làm rõ thế nào là “chính chủ”, “mũ bảo hiểm rởm”

Trong khi đó, ông Khương Kim Tạo - Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nói: “Với quan điểm cá nhân, tôi đồng tình với đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, nhưng giới chức phải làm cho người dân hiểu rõ khái niệm “chính chủ” và “mũ bảo hiểm rởm” trong đề xuất này.

Nhiều người còn lầm tưởng “chính chủ” tức là không được mượn xe của người quen thân để sử dụng khiến vấn đề trở nên phức tạp. Thực ra không phải thế. Một chiếc xe đăng kí hợp pháp, được kiểm định, thực hiện tất cả quy trình liên quan đến đảm bảo an toàn cho phương tiện được xem là chính chủ.

ông Khương Kim Tạo - Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia
Ông Khương Kim Tạo - Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia  
Về mũ bảo hiểm, người ta chỉ phạt hành vi không đội mũ hoặc đội mũ không đúng quy cách (không cài quai) và sử dụng loại mũ không phải mũ bảo hiểm cũng bị xem là không đội mũ. Còn loại mũ rởm, mũ không đảm bảo chất lượng, mũ nhái, không hợp quy…vẫn được gọi là mũ bảo hiểm. Nói cách khác, bất cứ ai cũng phải đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy.


Phạt mũ rởm đúng là không khả thi, nhưng vẫn phải phạt người đội loại mũ không phải mũ bảo hiểm như mũ tai mèo, mũ cối... Cần phải phân biệt rõ hai khái niệm này nếu không vấn đề sẽ bị mổ xẻ bung bét. Làm như thế là để bảo vệ nhân dân chứ không phải để hành hạ nhân dân”.

Ông Tạo cũng lo ngại, nếu nhiều người hiểu chập chờn về khái niệm này, mũ bảo hiểm rởm sẽ lại tràn lan trên thị trường và người ta sẽ thi nhau sử dụng trở lại.

“Để mũ bảo hiểm rởm không còn đất sống, phải siết chặt quản lý từ khâu sản xuất, nhập khẩu tới khâu buôn bán, phân phối. Người đứng đầu các thành phố, tỉnh, huyện…phải hiểu rõ khái niệm trước khi chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xử lý vi phạm.

TP. HCM hay Cần Thơ là hai nơi đã thành công trong việc dẹp mũ bảo hiểm rởm. Họ đã cưỡng chế, phạt các trường hợp vi phạm, dẹp cả các đơn vị sản xuất, dẹp cả các nơi buôn bán thương mại rất quyết liệt”, ông Tạo nhấn mạnh.

Minh Quân

Bình luận
vtcnews.vn