Bố nuôi con có được… nghỉ sinh?

Thời sựThứ Năm, 06/10/2011 12:45:00 +07:00

(VTC News) - Theo ông Ksor Phước, quy định nghỉ thai sản cũng phải có chính sách về nghỉ ngơi cho trường hợp các ông bố nuôi con...

(VTC News) – Theo ông Ksor Phước, khi quy định nghỉ thai sản thì tính đến phụ nữ, nhưng cũng phải có chính sách về nghỉ ngơi cho trường hợp cha nuôi con mà không có mẹ.

Thảo luận về dự án Bộ luật lao động (sửa đổi) ngày 5/10 tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cho rằng, dự án luật quy định nội dung này là nghĩ đến sức khỏe và sự quan tâm với phụ nữ, tuy nhiên, “khi ta lấy em bé làm trung tâm để quy định chế độ thai sản thì ta nghĩ đến phụ nữ, nhưng cuộc sống đặt ra những trường hợp cha nuôi con mà không có mẹ thì sao? Tôi nghĩ cũng phải có chính sách này, cần cho họ hưởng chính sách”.

Ông Ksor Phước dẫn chứng những trường hợp không may mắn như người mẹ qua đời “hoặc trường hợp mẹ… đi tù thì sao?”.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước (Ảnh: Kiều Minh)  

Ngoài ra, về quy định thời gian nghỉ sinh, ông Phước cũng cho rằng, dự án luật cần cân nhắc thêm mối quan hệ về lao động, để “khi doanh nghiệp tuyển đầu vào sẽ tuyển các cô có 2 con rồi còn các cô chưa có con thì người ta sợ lại đồng loạt nghỉ đẻ”.

Theo Ban soạn thảo, về thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ có 2 luồng ý kiến, thứ nhất, đề nghị cần tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ lên 6 tháng để bảo đảm sức khoẻ của lao động nữ và trẻ sơ sinh, phù hợp với khuyến nghị "nuôi con từ 0 - 6 tháng tuổi hoàn toàn bằng sữa mẹ".

Luồng ý kiến thứ hai đề nghị giữ thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ như quy định pháp luật hiện hành (4 tháng trong điều kiện làm việc bình thường, 5 tháng trong điều kiện làm công việc nặng nhọc độc hại, làm việc theo chế độ 3 ca, làm việc thường xuyên ở nơi có hệ số phụ cấp khu vực từ 0,7 trở lên hoặc là nữ quân nhân, công an nhân dân; và 6 tháng đối với người tàn tật).

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định theo luồng ý kiến thứ nhất, lao động nữ làm việc trong điều kiện bình thườngđược nghỉ 5 tháng. Nhóm thứ hai như đã nói ở trên thì thời gian này là 6 tháng.

Tăng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng sẽ bảo đảm sức khoẻ của lao động nữ và trẻ sơ sinh (Ảnh minh họa) 

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chung Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đều đồng tình với quy định phụ nữ nghỉ thai sản 6 tháng để có thời gian chăm sóc con nhỏ cũng như phục hồi sức  khỏe, tâm sinh lý.

Tuy nhiên, bà Ngân gợi mở: “Nên chăng ta quy định 6 tháng nhưng tùy thuộc vào sức khỏe, hoàn cảnh người phụ nữ có quyền đi làm, nhưng vẫn nghỉ đủ tối thiểu 4 tháng, như vậy là quy định mở, tốt hơn, vì có người không có sữa cho con bú nên người ta có quyền được lao động để kiếm thêm thu nhập nuôi con, chỉ cần quy định cứng phải nghỉ 4 tháng”.

Phụ nữ đến tuổi hưu vẫn có quyền đi làm tiếp - nếu muốn

Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) cũng quy định quyền nghỉ hưu, theo đó, có những ý kiến đề nghị quyền hưởng lương hưu đối với người lao động giữ như quy định hiện hành, nghĩa là 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ trong điều kiện lao động bình thường.

Nhưng cũng có những ý kiến đề nghị cần nâng tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là nữ giới để bảo đảm bình đẳng giới và giảm thiểu áp lực với quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Về vấn đề này, theo Ban soạn thảo, từ trước khi Bộ luật Lao động được tiến hành sửa đổi, quyền nghỉ hưu của lao động nữ luôn luôn được đặt ra và có nhiều ý kiến khác nhau, theo đó, Chính phủ cho rằng nghỉ hưu là quyền của người lao động. Do đó, khi lao động nữ đủ 55 tuổi và lao động nam đủ 60 tuổi (lao động trong điều kiện bình thường) thì họ có quyền nghỉ hưu.

Tuy nhiên, những người lao động này vẫn có quyền tiếp tục làm việc nếu họ có nguyện vọng và được người sử dụng lao động đồng ý. Đối với một số lao động đặc thù như làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại… hay lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, lao động làm công tác quản lý thì tuổi nghỉ hưu sẽ do Chính phủ quy định.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngâncho biết, về quy định ưu tiên cho nữ, khi ta đang lúng túng thì Lào họ làm luôn, họ quy định người nữ có quyền nghỉ 55 tuổi, còn tuổi nghỉ hưu thì như nhau là 60 tuổi, nhưng chỉ quy định cho công chức viên chức”.

Dự án Bộ luật lao động (sửa đổi) lần đầu tiên trình Quốc hội kỳ này để Quốc hội thảo luận xem xét, theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đây là một bộ luật rất đồ sộ, không nhất thiết phải kỳ này thảo luận kỳ sau thông qua ngay như thông lệ, lúc nào ta yên tâm thì ta trình vì luật ảnh hưởng tới 40/86 triệu người trên cả nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chung Lưu cũng nhấn thêm, Dự án luật này đã trình Quốc hội từ khóa XII nhưng nhiều ý kiến khác nhau nên phải làm tiếp trên cơ sở thực tiễn 12 năm của Bộ luật Lao động. Đây là dự án luật liên quan đến hàng chục triệu lao động nước ta, luật này cũng đóng góp quan trọng vào quốc kế dân sinh nên trong quá trình xây dựng cần hết sức lưu ý giữa thực tiễn và quy định trong luật.


Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn