Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.
Điểm đặc biệt của dự thảo lần này là một số nội dung về xe hợp đồng điện tử phải có phù hiệu “xe taxi” gắn trên kính xe, niêm yết đầy đủ các thông tin theo quy định, có hộp đèn với chữ "taxi điện tử" gắn cố định trên nóc xe như dự thảo trước đó đã không còn.
Cụ thể, Điều 7 dự thảo này quy định, xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng có phù hiệu “xe hợp đồng” phải niêm yết chữ “xe hợp đồng” hoặc “xe hợp đồng điện tử”, và niêm yết các thông tin trên xe theo quy định.
Trong trường hợp xe kinh doanh vận tải khách theo cả 2 hình thức hợp đồng bằng văn bản giấy và hợp đồng điện tử thì niêm yết “xe hợp đồng điện tử”. Dự thảo cũng bổ sung quy định taxi có hộp đèn với chữ "taxi điện tử" phải gắn cố định trên nóc xe.
Trên xe bắt buộc phải có thiết bị kết nối để giao dịch với hành khách với các thông tin về doanh nghiệp, thông tin về lái xe, thông tin về xe, điểm bắt đầu và kết thúc chuyến đi, cự ly chuyến đi, giá cước và số tiền hành khách phải trả.
Theo Bộ GTVT, các xe đang là taxi có thể gắn mào theo logo của hãng hoặc gắn thêm bảng "taxi điện tử" theo quy định, để người dân có thể gọi xe theo cách truyền thống và dùng ứng dụng gọi xe.
Trước đây, dự thảo lần 4 Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải của Bộ GTVT gây chú ý, vì áp nhiều quy định với xe hợp đồng điện tử, tính tiền thông qua phần mềm có nội dung giống như taxi truyền thống. Trong đó, xe hợp đồng điện tử phải có phù hiệu “xe taxi” gắn trên kính xe, niêm yết đầy đủ các thông tin theo quy định, có hộp đèn với chữ "taxi điện tử” cố định trên nóc xe.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định mới cũng sửa đổi, bổ sung khái niệm kinh doanh vận tải để xác định các công ty gọi xe công nghệ có phải là doanh nghiệp vận tải hay không.
“Kinh doanh vận tải bằng ôtô là việc thực hiện các công đoạn của hoạt động vận tải, để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ, nhằm mục đích sinh lợi. Trong đó, có công đoạn trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe để vận chuyển hành khách, hàng hóa; quyết định giá cước vận tải”.
Với khái niệm trên, Ban soạn thảo cho rằng, các hãng xe công nghệ nếu sử dụng phần mềm để phục vụ kinh doanh vận tải, điều hành các phương tiện để kinh doanh vận chuyển hành khách, quyết định giá cước thì phải là đơn vị kinh doanh vận tải.
Video: Taxi công nghệ bành trướng, nhiều ông lớn đối mặt với khó khăn
Bình luận