Sáng 27/8 phát biểu tại hội nghị “Báo cáo tiến độ kê khai, thống kê thiệt hại do sự cố môi trường và giải pháp chỉ đạo sản xuất thủy sản sau công bố của Bộ Tài nguyên & Môi trường”, ông Vũ Văn Tám – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đã khuyến cáo người dân chưa nên khai thác, đánh bắt hải sản tại các vùng cách bờ biển 1,5 kilomet thuộc Sơn Dương (Hà Tĩnh) có diện tích 300km2; vùng Nhật Lệ (Quảng Bình) có diện tích 330km2; vùng hòn Sơn Chà (Thừa Thiên – Huế) với diện tích 160km2.
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng khuyến cáo ngư dân chưa nên khai thác hải sản ở tầng đáy vì hải sản ở vị trí này không đảm bảo an toàn, đồng thời để hệ sinh thái cũng như san hô ở tầng đáy biển có thời gian để phục hồi.
Trước đó, Giáo sư Mai Trong Nhuận (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã thay mặt nhóm chuyên gia nghiên cứu môi trường biển miền Trung sau sự cố cá chết khẳng định, các thông số đặc trưng môi trường biển, trầm tích biển ở phần lớn các khu vực 4 tỉnh miền Trung đã nằm trong giới hạn cho phép, đạt quy chuẩn đối vùng bãi tắm, thể thao dưới nước và nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh.
Một số khu vực có dòng xoáy cục bộ, khả năng phát tán chất trong nước kém hơn, đồng thời khả năng tích lũy độc tố trong trầm tích cao hơn cần tiếp tục theo dõi. Với sự kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải từ đất liền và do cơ chế tự làm sạch tự nhiên của môi trường, hàm lượng các chất ô nhiễm từ sự cố môi trường biển đang có xu hướng giảm theo thời gian.
Ông Đỗ Hữu Tuấn - Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đánh giá: “Theo số liệu giám sát của Bộ Y tế, từ 28/4/2016 đến 8/8/2016, kết quả kiểm nghiệm đánh giá mức độ an toàn các mẫu hải sản lấy tại 4 tỉnh miền Trung cho thấy hàm lượng một số chất ô nhiễm trong hải sản đã giảm dần theo thời gian. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT thực hiện giám sát hải sản đánh bắt tại các vùng biển đã được Bộ TN&MT công bố là an toàn”.
Video: Hé lộ nguyên nhân cá chết hàng loạt ở miền Trung
Bình luận