Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam, chiếm tỷ trọng 26,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, tiếp đến là Mỹ, EU, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Diễn biến phức tạp, khó lường của dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra trong những ngày gần đây buộc Chính phủ Trung Quốc phải hạn chế giao dịch hàng hóa để tránh tình trạng tập trung đông người, làm dịch bệnh có cơ sở lây lan trên diện rộng. Động thái này dự báo sẽ có những tác động tiêu cực đến thương mại nông lâm thủy sản hai nước.
Cụ thể, xuất khẩu nông sản dự báo gặp nhiều thách thức. Tính đến tối 2/2/2020, theo cập nhật, có khoảng 175 xe thanh long loại 20 tấn/xe đang nằm chờ tại Lạng Sơn vì không thể thông quan.
Đối với các sản phẩm từ chăn nuôi được xuất khẩu sang Trung Quốc, đặc biệt là sản phẩm sữa Việt Nam mới được phép xuất khẩu chính ngạch từ tháng 10/2019, việc xuất khẩu sẽ gặp khó khăn khi thông thương nội địa và quốc tế của Trung Quốc bị đình trệ do tác động của dịch bệnh corona.
Đối với xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc năm 2019 vẫn có mức độ tăng trưởng khá (tăng 22% so với 2018), đặc biệt là tháng 12/2019 tăng 36,2% so với tháng 11/2019, trong đó nhiều sản phẩm có mức tăng trưởng mạnh như: tôm tăng 17%, cá tra tăng 61,5%; mực và bạch tuộc tăng 16,1%.
Nhìn chung xuất khẩu thủy sản đang có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên trong quý I/2020, nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc thông báo cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam tạm dừng việc giao hàng cho đến hết ngày 9/2/2020 hoặc cho đến khi có thông tin bình thường hóa các hoạt động trở lại từ Chính phủ Trung Quốc. Do đó, việc xuất khẩu thủy sản gặp khó khăn về thời điểm giao hàng.
Trước những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh, trong trường hợp dịch bùng phát kéo dài nhiều tháng, Bộ Nông nghiệp đề xuất các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, đơn vị ngành Công Thương các địa phương phối hợp đẩy mạnh tổ chức xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa nông sản vào tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn; ưu tiên thị trường nội địa; Khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh nâng cao chất lượng bảo quản, chế biến nông sản.
Tập trung chỉ đạo phối hợp với các địa phương, nghiên cứu điều chỉnh đối tượng cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ và lợi thế so sánh của từng địa phương.
Bình luận