• Zalo

Bổ nhiệm người nhà: Trật tự bất công trước Cách mạng Tháng Tám đang âm thầm quay lại

Thời sựThứ Hai, 03/04/2017 12:15:00 +07:00Google News

TS Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội lo ngại với cách thức đề bạt, bổ nhiệm người nhà, người thân tràn lan như hiện nay thì trật tự xã hội bất công trước Cách mạng Tháng Tám đang âm thầm quay lại.

Việc đề bạt, bổ nhiệm người nhà, người thân đang xảy ra ngày một tràn lan trong không ít các bộ, ngành và các địa phương. Đây là vấn đề gây bức xúc và dị nghị rất lớn trong dư luận.

Chính vì vậy, chúng ta không nên làm ngơ, mà phải kiên quyết đối mặt với vấn đề này. Ngoài ra, cho dù chúng ta có cố quay lưng lại với nó, thì nó vẫn đang ở phía trước mặt chúng ta và đang ngày càng trở thành thách thức khôn cùng cho tính chính danh của hệ thống quyền lực công ở Việt Nam.

bo nhiem con

Việc đề bạt, bổ nhiệm người nhà, người thân đang xảy ra ngày một tràn lan trong không ít các bộ, ngành và các địa phương. (Ảnh: Tuổi trẻ)

Dưới đây xin được nêu ra một vài lý do tại sao.

Trước hết, một trật tự xã hội mà “Con vua thì lại làm vua. Con sãi ở chùa lại quét lá đa” đã bị Cách mạng Tháng Tám năm 1945 xóa bỏ trên đất nước ta. Trật tự xã hội này bị xóa bỏ đơn giản là vì nó bất công.

Từ đó đến nay, về cơ bản trên đất nước ta, không ai chỉ là con vua, cũng không ai chỉ là con sãi. Cho dù với những mức độ khác nhau qua từng thời kỳ, về cơ bản, cơ hội đã được mở ra tương đối bình đẳng cho tất cả mọi người.

nguyen si dung 5

 

Với cách thức đề bạt, bổ nhiệm người nhà, người thân ngày một tràn lan như hiện nay, không khéo trật tự xã hội bất công trước Cách mạng Tháng Tám đang được âm thầm tái lập trở lại.

TS Nguyễn Sĩ Dũng

Con nông dân vẫn có thể làm chủ tịch tỉnh, và con chủ tịch tỉnh cũng có thể làm bộ đội. Tuy nhiên, với cách thức đề bạt, bổ nhiệm người nhà, người thân ngày một tràn lan như hiện nay, không khéo trật tự xã hội bất công trước Cách mạng Tháng Tám đang được âm thầm tái lập trở lại.

Mà như thế thì sẽ hết sức rủi ro cho sự phát triển hòa bình, dân chủ và bền vững của đất nước. Bởi vì rằng một trật tự xã hội mà “Con vua thì lại làm vua. Con sãi ở chùa lại quét lá đa” không sớm thì muộn sẽ dẫn tới chuyện “dân nổi can qua”.

Việc đề bạt, bổ nhiệm người nhà, người thân tất yếu gây ra bất công và bất bình xã hội. Nếu tất cả quyền lực công đều rơi hết vào tay nhóm người thân hữu, thì còn cơ hội gì cho quảng đại quần chúng nhân dân?

Hai là, việc bổ nhiệm người nhà, người thân còn làm tổn hại đến chất lượng của nền quản trị công của đất nước. Trước hết, đây là biểu hiện rất đặc trưng của tình trạng công, tư lẫn lộn.

Thử tượng tượng mà xem, nếu ở cơ quan trên, cơ quan dưới, ở cơ quan chỉ đạo, cơ quan thi hành, ở cơ quan kiểm tra, cơ quan xét xử… đâu cũng chỉ thấy toàn người nhà với người nhà, thì làm sao phân biệt được đâu là việc nhà và đâu là việc nước.

Ngoài ra, việc cha làm quan trên, con làm quan dưới còn là biểu hiện trần trụi nhất của sự xung đột lợi ích. Cha quá nghiêm khắc với con, thì mọi nhà được nhờ, nhưng nhà mình lại mất nhờ và ngược lại.

Đưa quan hệ ruột thịt vào công vụ, sẽ rất khó xác lập kỷ cương. Không chỉ ông bố rất khó nghiêm khắc với ông con, mà tất cả các ban ngành có liên quan muốn làm gì cũng ngại.

Đó là chưa nói tới chuyện ông con có thể dựa vào bóng ông bố mà làm cho các cơ chế kiểm soát và áp đặt trách nhiệm bị mất hết tác dụng.

bo nhiem nguoi nha 2

 Đưa quan hệ ruột thịt vào công vụ, sẽ rất khó xác lập kỷ cương.

Ngay từ thời của vua Lê Thánh Tông, cha ông chúng ta đã biết rất rõ rằng, muốn bảo đảm sự công tâm, sự bất thiên vị, muốn phép công được coi trọng, thì phải ngăn cấm hiện tượng cha, con, người thân cùng làm quan một nơi.

Luật Hồi tỵ thời đó đã quy định rất nghiêm: “Những người thân như anh em, cha con, thầy trò, bạn bè cùng học, người cùng quê… không được làm quan cùng một chỗ”.

Hơn thế nữa, làm quan ở đâu thì không được lấy vợ ở đó. Làm quan ở đâu thì không tậu ruộng vườn, nhà cửa ở đó. Tại sao chúng ta lại lạc hậu quá nhiều so với cha ông mình 500-600 năm trước đây như vậy?

Cũng cần nói thêm rằng, không bổ nhiệm người nhà trong lĩnh vực công là chuẩn mực chung của thế giới văn minh. Chúng ta đang hội nhập với thế giới thì chúng ta cũng cần phải tiếp nhận chuẩn mực này.

Cuối cùng, cho dù việc đề bạt, bổ nhiệm người nhà, người thân là đúng quy trình, thì việc đó cũng không thể đúng. Việc đó chỉ cho thấy là quy trình đang có vấn đề mà thôi.

Thiết nghĩ, mọi quy trình đều cần phải bắt đầu từ những nguyên tắc đã được Luật Hồi tỵ của cha ông xác lập từ 500-600 năm trước đây, nghĩa là không được bổ nhiệm người thân, người nhà để làm quan cùng một nơi.

Video: Bổ nhiệm "hot girl" Trần Vũ Quỳnh Anh, phát hiện nhiều sai phạm

TS Nguyễn Sĩ Dũng
Bình luận
vtcnews.vn