• Zalo

Bộ Ngoại giao bình luận thông tin Việt Nam có thể gia nhập BRICS năm 2024

Thời sự quốc tếThứ Năm, 09/05/2024 17:27:27 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Việt Nam quan tâm theo dõi tiến trình thảo luận về mở rộng thành viên của nhóm BRICS.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin Việt Nam sẽ tham gia Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nói, Việt Nam là một thành viên có trách nghiệm và tích cực trong cộng đồng quốc tế cũng như là triển khai đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, độc lập tự chủ. Việt Nam luôn sẵn sàng tham gia và đóng góp tích cực các tổ chức, diễn đàn đa phương toàn cầu cũng như là khu vực.

“Giống như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam quan tâm theo dõi tiến trình thảo luận về mở rộng thành viên của nhóm BRICS”, bà Phạm Thu Hằng nói.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng.

BRICS là nhóm các nền kinh tế gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi được thành lập sau khi bổ sung Nam Phi vào năm 2010.

Trong Hội nghị thượng đỉnh của nhóm BRICS tại Nam Phi lần thứ 15 vào tháng 8 năm ngoái, Việt Nam là một trong 71 nước được mời tham dự Hội nghị.

Cũng trong hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15, nhóm BRICS đã kết nạp thêm 6 thành viên mới, gồm gồm Ai Cập, Ả Rập Xê-út, Iran và Ethiopia.

Đây là lần mở rộng đầu tiên của BRICS kể từ năm 2010, cho thấy sức mạnh đoàn kết của BRICS và các nước đang phát triển, cũng như quyết tâm hợp tác vì tương lai tốt đẹp hơn.

Với các thành viên mới, BRICS sẽ chiếm khoảng 37% GDP của toàn cầu theo sức mua tương đương và 46% dân số thế giới. Điều quan trọng hơn là BRICS mở rộng quy tụ các quốc gia chiếm 80% sản lượng dầu mỏ thế giới, đưa nhóm này trở thành một trong những khối dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng toàn cầu.

Đồng thời, BRICS bao gồm không chỉ những nước khai thác mà cả tiêu thụ tài nguyên năng lượng lớn nhất thế giới. Các quốc gia này sẽ bắt đầu làm việc với tư cách thành viên đầy đủ của nhóm BRICS, hiện do Nga giữ vị trí chủ tịch luân phiên. Đây là điểm tích cực để BRICS có thể đưa ra những chiến lược khai thác và sử dụng năng lượng ổn định, bền vững, vì sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu.

Bình luận
vtcnews.vn