(VTC News)- Từ một học sinh có năng khiếu bóng đá bẩm sinh, Tuấn dần dần rơi vào con đường nghiện ngập vì thiếu đi tình yêu thương của gia đình.
Từng là ngôi sao thể thao
Không phải lúc nào những cố gắng của các thầy cô giáo chủ nhiệm nhằm giáo dục học sinh cá biệt cũng đem lại kết quả tốt đẹp như mong muốn. Đã không ít lần, cô Giang (giáo viên chủ nhiệm trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng) phải xót xa nhìn học sinh sa ngã và rơi vào vòng lao lý.
Cô Giang còn nhớ cách đây chỉ một vài năm, cô được phân công chủ nhiệm một lớp 10 của trường. Trong lớp có cậu học trò Bùi Anh Tuấn (tên nhân vật đã được thay đổi) nổi tiếng ngỗ nghịch nhưng lại có biệt tài đá bóng bẩm sinh.
Trước đây, cậu học sinh này đã từng trong đội năng khiếu của câu lạc bộ Thể Công và hứa hẹn có nhiều triển vọng trở thành một cầu thủ tài năng.
Trước đây, cậu học sinh này đã từng trong đội năng khiếu của câu lạc bộ Thể Công và hứa hẹn có nhiều triển vọng trở thành một cầu thủ tài năng.
Tuấn không thể mãi chứng kiến những cảnh chướng tai gai mắt của mẹ và bố dượng (Ảnh minh họa) |
Khi trò chuyện với Tuấn, cô Giang được biết hoàn cảnh khá đặc biệt của gia đình em. Lúc đó, Tuấn phải sống cùng mẹ và cha dượng trong một căn hộ nhỏ rộng khoảng 20m2 vừa phục vụ kinh doanh tạp hóa, vừa để sinh hoạt cho gia đình. Trong căn phòng bé xíu chỉ đủ kê 2 cái đệm, những bất tiện trong sinh hoạt bắt đầu bộc lộ.
Tuấn cảm thấy rất khó chịu khi phải thường xuyên chứng kiến cảnh cha dượng và mẹ thể hiện tình cảm trước mặt mà không hề để ý rằng cậu con trai trong nhà cũng đã lớn. Sẵn có ác cảm với người cha dượng, Tuấn cảm thấy rất ngột ngạt khi phải sống trong cùng một mái nhà với những người cậu không thiện cảm.
Cậu bắt đầu ra ngoài thuê nhà và ở cùng bạn gái. Sau ngày ra ngoài, có một vài lần Tuấn cũng quay trở lại nhà lấy quần áo, đồ đạc nhưng mẹ của cậu cũng không hề hay biết.
Sự thờ ơ “đáng sợ” của gia đình
Sau này, khi tâm sự với cô Giang, chị Hạnh (tên nhân vật đã thay đổi)- mẹ của Tuấn - có chia sẻ rằng bà có lờ mờ nhận ra lý do cậu con trai bỏ nhà ra đi nhưng cũng cảm thấy hối hận vì đã không giữ con ở lại.
Hàng tháng, gia đình Tuấn vẫn gửi tiền đều đặn để cậu trang trải cuộc sống. Vốn buôn bán làm ăn cũng lời lãi nên mỗi khi quý tử đòi tiền, chị Hạnh lại không tiếc rút ví đưa đầy đủ cho cậu con trai.
Thậm chí, nhiều khi Tuấn còn về nhà đòi mẹ phải đưa xe máy đắt tiền đi cắm nhưng chị Hạnh nhất định không chịu nghe theo. Thay vào đó,chị lại đưa một số tiền cho cậu con trai “tiêu tạm”.
Tuấn đã bị bắt vì buôn bán và sử dụng ma túy (Ảnh minh họa) |
Dành nhiều thời gian hơn để quan sát, cô Giang nhận thấy trong lớp cậu học sinh này thường xuyên gục xuống bàn và nhắn tin điện thoại cho những đối tượng nào đó một cách rất đều đặn.
Tình cờ, một lần cô Giang yêu cầu Tuấn đưa ra nội dung tin nhắn “ Hôm nay mua thuốc ở đâu”. Thấy nội dung tin nhắn có điều bất thường, cô Giang đã gặng hỏi nhưng Tuấn vẫn nhất định không nói.
“Không có gì đâu ạ. Bạn em nó nhờ mua cho nó bao thuốc lá thôi mà cô -” Tuấn vẫn cố giấu giếm điều gì đó trong câu trả lời của mình.
Đem sự việc này chia sẻ với chị Hạnh nhưng cô chỉ nhận được một thái độ dửng dưng không mấy quan tâm: “Em ơi, chúng nó đùa nhau ấy mà”. Chị Hạnh nói như tỏ ra rất tin tưởng vào cậu con trai của mình.
Bỏ ngoài tai thái độ thờ ơ của gia đình Tuấn, cô Giang vẫn thường xuyên quan sát tình hình học tập trên lớp của cậu hoc sinh này. Sau ngày phát hiện ra tin nhắn lạ trong điện thoại, Tuấn càng đi học thất thường, nhiều buổi nghỉ học không có lý do.
Sau một thời gian theo dõi thường xuyên những biểu hiện bất thường của cậu học sinh, cô Giang liền gọi cho gia đình của Tuấn với kết luận chắc nịch “Tôi nghĩ chắc chắn cháu có vấn đề rồi”.
Đến lúc này chị Hạnh mới chịu thừa nhận cậu con trai của mình “có vấn đề” và xin cho Tuấn nghỉ học.
Một tháng sau, cô Giang cảm thấy rất xót xa khi nghe tin công an đã bắt Tuấn về tội buôn bán và sử dụng chất ma túy.
Dù ở độ tuổi nào, các em học sinh luôn cần sự quan tâm và yêu thương của bố mẹ |
“Thực sự, nếu có sự ấm cúng của tình cảm gia đình, có sự quan tâm của người mẹ thì có lẽ sự việc đã không xảy ra như thế. Thiếu thốn tình cảm của gia đình nên em ấy đã không thể chống lại những cám dỗ ở ngoài xã hội.
Ở đây gia đình đã phó mặc hoàn toàn cho nhà trường trong việc giáo dục các em. Tuy nhiên, thiếu đi sự phối hợp của gia đình thì những nỗ lực giúp đỡ các em của thầy cô giáo rất khó có thể thành công” - Cô Giang bùi ngùi chia sẻ.
Ở đây gia đình đã phó mặc hoàn toàn cho nhà trường trong việc giáo dục các em. Tuy nhiên, thiếu đi sự phối hợp của gia đình thì những nỗ lực giúp đỡ các em của thầy cô giáo rất khó có thể thành công” - Cô Giang bùi ngùi chia sẻ.
Bạn đọc chia sẻ những câu chuyện thực tế về giáo dục trong gia đình xin gửi vào ô thảo luận cuối bài viết. Trân trọng!
Phạm Thịnh(lược ghi)
Bình luận