Các bậc phụ huynh vẫn đang hào hứng với “ngày hội” khoe thành tích cuối năm trên mạng xã hội, mà ít ai quan tâm tới cảm xúc của các con thế nào.
'Con không thích bố mẹ khoe điểm'
Nguyễn Quang Vinh, học sinh trường THPT Trương Định (Hà Nội) chia sẻ, mẹ em kết bạn rất nhiều phụ huynh trong lớp trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo. Cứ đến mỗi kỳ tổng kết, mẹ gần như sẽ nắm được thành tích của các bạn trong lớp, thông qua những bài đăng của các bậc phụ huynh.
“Nếu thành tích các bạn cao hơn, mẹ sẽ cằn nhằn, đặt câu hỏi vì sao các bạn làm được mà em lại không?”, Quang Vinh nói và cho hay bản thân đã thực sự cố gắng hết sức nhưng không thể có kết quả tốt hơn.
Nam sinh ước không có mạng xã hội, hay các bậc phụ huynh thôi không công khai thành tích, để không bị mẹ so sánh, cũng không cảm thấy tự ti về năng lực của bản thân, càng không bị áp lực đồng trang lứa đè nặng.
Bùi Phạm Xuân Minh, học sinh trường THCS Phú Xuân (Thái Bình) cũng nhiều lần bày tỏ suy nghĩ không thích bố mẹ đưa điểm số của bản thân lên mạng xã hội. Mỗi khi mẹ đi họp phụ huynh, Xuân Minh đều đưa ra điều kiện không được đăng tải bảng điểm hay giấy khen để khoe.
Có lần vì quá hãnh diện về kết quả học tập con trai đạt được, mẹ đã “bỏ quên” lời đề nghị của Minh mà đăng tải bảng điểm lên Facebook. “Khi ấy, em rất giận và không nói chuyện với mẹ 2 tuần”, Xuân Minh nói. Cậu học sinh không vui, thậm chí như đang chịu áp lực lớn trước sự kỳ vọng của bố mẹ là phải giỏi hơn theo năm tháng.
Dù có học lực tốt, thường đứng trong top đầu của lớp, nhưng mỗi khi bố mẹ đăng tải thành tích học tập lên mạng, Minh rất ngại với các bạn trong lớp. "Các bạn cho rằng em khoe khoang, sĩ diện với thành tích bản thân. Em không muốn mình bị cô lập hay chủ đề của bàn tán trong lớp. Em càng không muốn vì bảng thành tích của mình mà các bạn khác bị bố mẹ mang ra so sánh", nam sinh chia sẻ.
Người người, nhà nhà khoe thành tích
Chị Bùi Thị Là (Hoàng Mai, Hà Nội) vui và hãnh diện khi năm học vừa qua cả hai con của chị đều nhận được giấy khen danh hiệu học sinh xuất sắc. Chị đăng hình ảnh con kèm giấy khen lên mạng xã hội.
Sau khi đăng tải, bài viết của chị nhận về hàng trăm lượt thích và vô số bình luận chúc mừng. Hầu hết là những bình luận có cánh khen con giỏi, khen bố mẹ biết cách nuôi dạy con. Ngồi đọc và trả lời các bình luận, nữ phụ huynh càng thêm phần hãnh diện và tự hào về hai con.
"Tôi vẫn thường xuyên đăng ảnh thành tích học tập của các con lên mạng xã hội để khoe với bạn bè người thân. Một năm bố mẹ chỉ được khoe một lần, sau này nhìn lại các con sẽ biết được bản thân đã cố gắng thế nào”, chị Là tâm sự.
Chị chỉ lo con không có thành tích hoặc thành tích khiêm tốn, không đáng để khoe. Nếu thành tích học tập của con thực sự tốt, chị không ngại khoe.
Cũng theo vị phụ huynh này, các thế hệ trước còn cẩn thận đóng khung treo tường giấy khen của con ở giữa nhà, trân trọng vô cùng. "Vậy tại sao hiện nay, các bậc phụ huynh lại không có quyền được tự hào với những điều tương tự", chị nói.
Chị Phạm Thu Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) thẳng thắn thừa nhận thích khoe thành tích học tập của con gái. Từ ngày con học lớp 1 cho tới bây giờ con học lớp 9, mỗi năm chị đều khoe bảng điểm và giấy khen mà con nhận được.
“Thành tích đạt được của con cái là phần thưởng của cha mẹ, không có lý gì ngăn cả chúng tôi tận hưởng hạnh phúc đó”, chị Hà nói. Theo chị, bố mẹ nào cũng có quyền tự hào về con cái, đặc biệt khi đứa con đó ngoan ngoãn, học giỏi thì càng là niềm hãnh diện của gia đình.
Theo Công an TP Hà Nội, thời gian gần đây phụ huynh có thói quen khoe bảng điểm, giấy khen hay thành tích học tập của con lên mạng xã hội. Tuy nhiên, những hành vi này khiến nhiều người lo ngại dẫn đến hậu quả xấu.
Việc khoe giấy khen của con lên mạng có nguy cơ để lộ thông tin của con và tạo điều kiện cho kẻ xấu ra tay với trẻ. Việc phụ huynh khoe giấy khen, thành tích của con lên mạng xã hội được cho là hành vi gián tiếp tiếp tay cho tội phạm.
Theo các chuyên gia về tội phạm học, trên giấy khen, thành tích học tập của trẻ thường đính kèm họ và tên, lớp học, thông tin về trường lớp, thậm chí là những thông tin khác liên quan đến giáo viên, hoặc gia đình. Điều này dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho trẻ khi kẻ xấu dễ dàng lợi dụng để bắt cóc tống tiền, xâm hại trẻ em.
Bình luận