TS Nguyễn Sĩ Dũng đã gửi tới VTC News bài phân tích xung quanh mô hình quản trị hiện nay khiến các địa phương liên tục đùn công việc, trách nhiệm lên Chính phủ, Thủ tướng.
Quốc hội đang tiến hành giám sát chuyên đề về cải cách bộ máy hành chính nhà nước. Không ít vấn đề đã được các đoàn giám sát của Quốc hội nhận biết và nêu ra như: tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, sự chậm trễ trong việc tinh giảm biên chế, thái độ chần chừ trong việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy…
Chúng ta sẽ được biết rõ hơn về những phát hiện và những kiến nghị có liên quan khi báo cáo giám sát được chính thức trình ra Quốc hội.
Tuy nhiên, nói đến cải cách bộ máy hành chính thì quan trọng nhất vẫn là những cải cách làm thay đổi động lực. Nếu động lực không thay đổi, mọi chuyện sẽ rất khó khăn.
Hội chứng đá ném ao bèo hoàn toàn có thể xảy ra. Có ném đá bao nhiêu, thì bèo cũng sẽ phủ kín trở lại. Bởi vì rằng động lực tự nhiên là sự phủ kín trở lại.
Chính vì vậy, vấn đề mà Quốc hội cần quan tâm nhất (đặc biệt Quốc hội lại là cơ quan đại diện cho nhân dân) là động lực phục vụ dân đang được thiết kế như thế nào.
Có vẻ như với cách thiết kế hiện nay, động lực này là không thật lớn. Đó là chưa nói tới hiện tượng khuyến khích ngược (động lực ngược).
Gây khó cho dân một thì được nhận một phong bì, gây khó cho dân hai thì được nhận hai phong bì. Cứ càng gây khó khăn mới càng có lợi là biểu hiện đặc trưng nhất của hệ thống khuyến khích ngược.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gọi đây là hiện tượng tham nhũng vặt. Tài sản bị tham nhũng đúng là không lớn, nhưng bất bình xã hội mà loại tham nhũng này gây ra lại rất lớn vì nó đụng chạm trực tiếp đến những người dân.
Động lực phục vụ dân không lớn có nguyên nhân là vì bộ máy hành chính-công vụ rất ít phụ thuộc vào dân.
TS Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên PCN Văn phòng Quốc hội
Động lực phục vụ dân không lớn có nguyên nhân là vì bộ máy hành chính-công vụ rất ít phụ thuộc vào dân. Từ chuyện đề bạt, bổ nhiệm đến việc tăng lương, khen thưởng… người dân gần như chẳng có thể có ý kiến gì được vào đây.
Trước đây, Đảng ta đã có chủ trương thí điểm việc dân bầu trực tiếp chủ tịch xã. Nếu chủ trương này được triển khai, thì người đứng đầu mộ máy hành chính ở cơ sở sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào dân. Để được dân bầu và bầu lại, thì ông ta/bà ta, cũng như bộ máy của ông ta/bà ta không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải tận tụy với dân.
Trong việc tạo ra động lực phục vụ dân, thì đo đếm sự hài lòng của người dân để khen thưởng, bổ nhiệm cũng rất quan trọng. Việc đo đếm sự hài lòng của người dân trong thời đại công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại ngày nay là rất dễ dàng.
Nếu chúng ta để máy tính với màn hình cảm ứng ở tất cả các cơ quan cung cấp dịch vụ công, thì chúng ta sẽ đo đếm được sự hài lòng của người dân trong từng giây, từng phút và đối với từng công chức.
Một số địa phương như TP.HCM, tỉnh Đồng Tháp… đã tích cực thúc đẩy việc đo đếm sự hài lòng của người dân để cải cách hành chính.
Video: Về nơi "cát tặc" lộng hành khiến Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh phải "cầu cứu" Thủ tướng
Vấn đề là Quốc hội cần sớm thể chế hóa hoạt động này thành đòi hỏi bắt buộc của pháp luật đối với tất cả các cơ quan công quyền.
Ngoài ra, sự thiếu hụt về tính chuyên nghiệp trong việc phục vụ dân cũng đang là vấn đề rất lớn. Theo một số tính toán, thì có đến 30% công chức chỉ làm được mỗi một việc là “sớm cắp ô đi, tối cắp về”.
Việc chúng ta trả lương dễ dãi và vô tận chỉ cho mỗi một hành vi cắp ô đã không chỉ không tạo ra sức ép phải nâng cao trình độ, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến bầu không khí làm việc và kỷ luật công vụ. Đo đếm hiệu quả để thưởng phạt công minh là rất quan trọng để tạo ra áp lực phải nâng cao trình độ ở đây.
Ngoài ra, xác lập chế độ trách nhiệm trước thủ trưởng cũng rất quan trọng. Việc lấy phiếu tín nhiệm để đề bạt và đề bạt lại các quan chức hành chính-công vụ như chúng ta đang làm hiện nay không khéo đang phá vỡ nền tảng của kỷ luật hành chính.
Khi cấp trên phải phụ thuộc vào lá phiếu của cấp dưới để được bổ nhiệm, thì họ khó có thể áp đặt kỷ luật và đòi hỏi về hiệu quả công việc.
Rõ ràng, chúng ta đang có sự lầm lẫn về cơ chế vận hành chế độ trách nhiệm chính trị và chế độ trách nhiệm hành chính ở đây. Tín nhiệm là công cụ để áp đặt chế độ trách nhiệm chính trị, chứ không phải là công cụ để áp đặt chế độ trách nhiệm hành chính.
Bình luận