(VTC News) - Theo phương án thứ nhất về đổi giờ làm việc, giờ học tập được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) trình Chính phủ, cán bộ công chức cơ quan Trung ương sẽ làm việc từ 9h - 18h; cán bộ công chức Hà Nội làm việc từ 8h30 - 17h30.
Chỉ ít ngày sau khi các Sở ban ngành Hà Nội họp bàn về việc đổi giờ làm việc, giờ học tập để giảm thiểu ùn tắc giao thông, Bộ GTVT đã có văn bản số 6956/BGTVT-VT gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất giờ làm việc, giờ học tập, kinh doanh thương mại trên địa bàn TP.Hà Nội.
Trên cơ sở sắp xếp một cách khoa học và hợp lý để vừa đảm bảo công việc, vừa không ảnh hưởng lớn đến đời sống của cán bộ công chức, không xáo trộn sinh hoạt gia đình, đặc biệt bảo đảm giờ giấc sinh hoạt phù hợp với nhịp sinh học của các đối tượng là học sinh mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, Bộ GTVT đề xuất 2 phương án thay đổi thời gian làm việc và học tập.
Cụ thể, ở phương án thứ nhất, cán bộ công chức cơ quan Trung ương sáng làm việc từ 9h - 12h, chiều từ 13h - 18h; cán bộ công chức Hà Nội sáng từ 8h30 - 12h, chiều từ 13h - 17h30;
Học sinh Mầm non, Tiểu học, THCS học từ 8h - 17h30 chiều; Học sinh THPT sáng từ 7h - 11h, chiều từ 12h30 - 16h30;
Sinh viên đại học khu vực quận Cầu Giấy và Thanh Xuân học sáng từ 6h - 11h, chiều từ 12h - 17h; Sinh viện đại học khu vực quận Đống Đa và Hai Bà Trưng sáng học từ 7h - 2h, chiều từ 13h - 18h;
Các Trung tâm thương mại mở cửa từ 9h30 - 23h.
Lãnh đạo ngành GTVT hy vọng việc đổi giờ làm có thể giảm căng thẳng giao thông trong giờ cao điểm tại Hà Nội.
Riêng đối tượng sinh viên đại học 4 quận nội thành được điều chỉnh như sau: Quận Cầu Giấy và Thanh Xuân học sáng từ 7h - 12h, chiều từ 13h - 18h; Sinh viên các trường đại học quận Đống Đa và Hai Bà Trưng học sáng từ 8h - 13h, chiều từ 14h - 19h.
Cũng theo Bộ GTVT, hiện nay trên địa bàn TP. Hà Nội số lượng cán bộ, công chức hưởng lương ngân sách là 355.000 người, trong đó cơ quan Trung ương có hơn 202.000 người (chiếm 57,1%), số còn lại là cán bộ cơ quan trực thuộc Hà Nội.
Có khoảng 360.000 học sinh Mầm non, 470.000 học sinh Tiểu học, 320.000 học sinh THCS, và 215.000 học sinh THPT.
Số lượng sinh viên đại học và cao đẳng học tại các cơ sở đào tạo trong nội thành là gần 478.000 sinh viên, trong đó nhiều nhất là quận Cầu Giấy và quận Đống Đa (13 trường) và Thanh Xuân, Hai Bà Trưng (6 trường).
Trước đó, ngày 25/10, sau cuộc họp giữa các Sở, ban, ngành Thành phố để bàn về kế hoạch thay đổi giờ làm việc, giờ học tập trên địa bàn TP. Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết: “Trước mắt sẽ báo cáo Thành phố thay đổi giờ học của nhóm đối tượng sinh viên và giờ làm của các trung tâm thương mại, mua sắm trước. Vì đây là lực lượng tự lập, không chịu ảnh hưởng nhiều từ việc thay đổi giờ học, giờ làm”.
Cũng theo ông Hùng, thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm, chỗ nào thống nhất thì báo cáo Thành phố để áp dụng trước, chỗ nào còn ý kiến thì tiếp tục nghiên cứu.
Cũng đóng góp ý kiến về đề xuất thay đổi giờ làm việc, giờ học tập được Bộ GTVT gửi Hà Nội nghiên cứu ngày 21/10, TS. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản GTVT (Bộ GTVT), người đã có hơn 30 năm nghiên cứu về giao thông đô thị, cho rằng: "Việc đổi giờ làm là cần thiết để giảm căng thẳng giao thông giờ cao điểm, nhưng các giờ phải cách nhau một tiếng. Trong khi đề xuất giờ làm, giờ học của Bộ GTVT gửi Hà Nội nghiên cứu chỉ cách nhau nửa tiếng là không được, 8h30 với 9h thì cái 30 phút đấy vẫn đan xen nhau và vẫn gây ùn tắc”.
“Tôi đề nghị là 8h với 9h. Trước đây Hà Nội cũng từng thực hiện thay đổi lệch giờ làm của các cơ quan 30 phút, nhưng vẫn thất bại do chênh nhau quá gần, không tạo ra ranh giới rõ ràng”, TS. Thủy nói.
Lê Việt
Bình luận