• Zalo

Bộ Giao thông Vận tải làm kiểu '5 ăn, 5 thua'

Thời sựThứ Bảy, 29/09/2012 12:05:00 +07:00Google News

Tổng số tiền Nhà nước bỏ ra để thảm lại mặt cầu Thăng Long sẽ lên tới con số hơn 100 tỉ đồng.

Tổng số tiền Nhà nước bỏ ra để thảm lại mặt cầu Thăng Long sẽ lên tới con số hơn 100 tỉ đồng.

Cầu Thăng Long đã phải 'đắp' gần 100 tỉ đồng để sửa chữa.
Những phát biểu của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) Nguyễn Hồng Trường tại buổi họp báo chiều 28/9 về nhiệm vụ những tháng cuối năm 2012 khiến không ít người tham dự bất ngờ bởi cách làm kiểu “5 ăn, 5 thua” của Bộ GTVT.

Có khá nhiều câu hỏi được đặt ra khi Bộ GTVT dự kiến việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long (Hà Nội) sắp tới có thể tốn thêm khoảng 12 tỉ đồng.

Như thế, tổng số tiền Nhà nước bỏ ra để thảm lại mặt cầu Thăng Long sẽ lên tới hơn 100 tỉ đồng. Nếu tính cả số tiền mà nhà thầu bỏ ra trong suốt hơn 2 năm qua để sửa chữa liên tục các vết lún thì con số còn lớn hơn nhiều.


Ông Trường nói mặt cầu Thăng Long có cấu tạo đặc biệt và không còn nhiều trên thế giới. Bộ GTVT đã thuê  chuyên gia ở nhiều nước như Anh, Mỹ tư vấn, giám sát trong việc áp dụng công nghệ mới vào thảm lại mặt cầu nhưng vẫn không thể phù hợp với điều kiện khai thác, thời tiết của Việt Nam. Hiện Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phải sử dụng tiền từ ngân sách Nhà nước để sửa chữa, do đã hết thời gian bảo hành.

Sắp tới, tuyến đường Vành đai 3 trên cao (sử dụng vốn ODA của Nhật Bản) sẽ nối tới cầu Thăng Long. Bộ GTVT đã đề xuất Chính phủ nhờ các chuyên gia Nhật Bản nghiên cứu tổng thể cầu và mặt cầu để đưa ra giải pháp sửa chữa, khắc phục mang tính lâu dài.

“Khi chuyển giao công nghệ, việc thảm mặt cầu Thăng Long chưa được thành công lắm nên không bảo đảm  bền vững. Quá trình chuyển giao công nghệ có cái thành công, có cái thất bại. Đây là bài học và nó sẽ giúp cho quá trình chuyển giao công nghệ các dự án khác được tốt hơn” - ông Trường nói và khẳng định không có chuyện bớt xén, tham nhũng trong quá trình làm dự án.


Trả lời câu hỏi về tiến độ việc xem xét trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân khi bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng (nguyên cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam) tới đâu, ông Trường cho biết đã rà soát và có văn bản báo cáo Chính phủ cũng như cơ quan chức năng. Tuy nhiên, sai phạm diễn ra từ năm 2007, khi ông Dũng nắm 2 vị trí lãnh đạo cao nhất ở Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và chưa có biểu hiện sai phạm nào nên khi tiến hành bổ nhiệm thì chưa phát hiện được.

“Bộ GTVT đã rà soát chưa tốt trong việc này” - ông Trường thừa nhận. Ông cho biết trong cuộc họp kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 vừa qua, Bộ GTVT đã rút kinh nghiệm toàn diện trong việc bổ nhiệm cán bộ. Tới đây, khi bổ nhiệm lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo xuất thân từ các doanh nghiệp, Bộ GTVT sẽ rà soát kỹ càng về nhân thân và phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an, thanh tra, tài chính.


Liên quan đến việc tái cơ cấu Vinalines và Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy (Vinashin) mà Bộ GTVT có chức năng quản lý, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT đã có tờ trình gửi Chính phủ, kiến nghị nếu Thủ tướng không quản lý trực tiếp 2 tập đoàn này thì bộ sẽ quản lý.

Về việc Quốc lộ 14 hư hỏng tan nát khiến việc đi lại của nhân dân rất khổ cực, ông Trường cho biết quốc lộ này qua Tây Nguyên trùng với tuyến đường Hồ Chí Minh. Để đáp ứng vận tải cho vùng này, từ năm 2005 đến nay, Chính phủ đã bố trí vốn để nâng cấp toàn bộ các tuyến đường qua thị trấn, thị tứ ở các tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên, do có Nghị quyết 11 về cắt giảm đầu tư công nên nhiều dự án đã phải tạm dừng đầu tư.

Một số tỉnh đã đề xuất với nhà đầu tư tiếp tục thực hiện dự án theo hình thức BOT và Bộ GTVT đồng ý. Tuy nhiên, do gặp suy thoái kinh tế, việc vay vốn ngân hàng khó khăn hơn nên các dự án triển khai rất chậm. “Vừa rồi, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã họp với các nhà đầu tư và đơn vị liên quan để đưa ra lộ trình thực hiện. Theo đó, chậm nhất năm 2015, toàn tuyến Quốc lộ 14 sẽ được nâng cấp toàn diện phục vụ phát triển ở Tây Nguyên”.

 Xã hội hóa việc xây dựng cảng Vân Phong

Trả lời câu hỏi về trách nhiệm của các cá nhân liên quan đến dự án cảng quốc tế Vân Phong dừng triển khai (Vinalines là chủ đầu tư), ông Nguyễn Hồng Trường nói đã mời các cơ quan tư vấn nước ngoài tham gia quy hoạch. Hiện một đơn vị của Hà Lan đã đồng ý giúp đỡ quy hoạch lại cảng Vân Phong theo nguồn vốn không hoàn lại. Trong tương lai, việc xây dựng cảng Vân Phong sẽ thực hiện theo hình thức xã hội hóa.
Theo NLĐ
Bình luận
vtcnews.vn