• Zalo

Bộ Giáo dục đính chính công văn 'cấm dạy nội dung ngoài sách giáo khoa'

Giáo dụcThứ Tư, 18/10/2017 08:53:00 +07:00

Sau 13 ngày kể từ khi ban hành công văn "cấm dạy nội dung ngoài sách giáo khoa", mới đây, Bộ Giáo dục có văn bản đính chính.

Ngày 17/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo đính chính nội dung văn bản số 4612 ban hành ngày 3/10 nhằm hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành từ năm học 2017-2018. Phần được chỉnh sửa là "tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa".

Vụ phó Giáo dục trung học Nguyễn Xuân Thành cho biết, đây chỉ là hiểu lầm do sơ suất trong diễn đạt văn bản. Do sách giáo khoa cụ thể hóa mục tiêu của chương trình nên ý cuối cùng trong câu này nhằm nhấn mạnh yêu cầu không dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.

sgk_ubif_vefs

 Việc cấm dạy nội dung ngoài sách giáo khoa là không hợp lý.

"Bộ cũng yêu cầu bổ sung, cập nhật thông tin mới phù hợp thay cho thông tin cũ, lạc hậu, nghĩa là không hạn chế giáo viên chỉ dạy học với ngữ liệu trong sách giáo khoa. Tuy nhiên, việc diễn đạt như trên đã gây ra hiểu lầm là Bộ chỉ cho phép giáo viên khai thác sử dụng sách giáo khoa để dạy học. Điều này không đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ", ông Thành nói.

Vụ phó Giáo dục trung học nhấn mạnh, trong quá trình tập huấn thực hiện chương trình sắp tới, Bộ sẽ hướng dẫn cụ thể về việc này để nhà trường, giáo viên, học sinh nắm đúng tinh thần chỉ đạo.

Trước đó, hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018 được Bộ Giáo dục gửi các nhà trường nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Công văn này yêu cầu "tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa".

Nhiều giáo viên cho rằng, đây là quy định lạc hậu và cứng nhắc. "Bộ yêu cầu học sinh phải biết vận dụng năng lực thực tế, nhưng nội dung cần thiết lại không có trong sách giáo khoa, vì thế giáo viên phải đưa vào bài giảng để các em hiểu rõ. Việc cấm dạy nội dung ngoài sách giáo khoa như vậy là không hợp lý", TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) nói.

Video: Đưa đầy đủ nội dung Hoàng Sa, Trường Sa vào sách giáo khoa

Một giáo viên môn Lịch sử ở Hà Nội cũng cho hay, nếu chỉ dạy nguyên kiến thức khô cứng trong sách giáo khoa, học sinh sẽ chẳng bao giờ yêu thích môn học này. Quá trình dạy, đôi khi để nói về sự kiện lịch sử nào đấy, cô sẽ bắt đầu bằng giới thiệu một bộ phim, một tác phẩm văn học có liên quan... để học sinh có cảm hứng, dễ tiếp thu. Việc đưa học sinh đi thực địa để học Lịch sử cũng nhiều lần được nhà trường thực hiện. 

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn