• Zalo

Bỏ giá trần chung cư, ai sẽ hưởng lợi?

Kinh tế Thứ Ba, 22/01/2013 12:17:00 +07:00Google News

(VTC News) – Các doanh nghiệp đề xuất bỏ giá trần dịch vụ chung cư, nhưng đại diện cơ quan quản lý cho rằng, nếu “buông tay”, người dân sẽ chịu thiệt.


(VTC News) – Các doanh nghiệp đề xuất bỏ giá trần dịch vụ chung cư vì nhiều bất hợp lý, nhưng đại diện cơ quan quản lý cho rằng, nếu “buông tay”, người dân sẽ chịu thiệt.

Tại hội thảo quản lý giá dịch vụ nhà chung cư tại thành phố Hà Nội ngày 21/1 do Sở Xây dựng tổ chức, ông Nguyễn Văn Bách, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị (HUD) cho hay, hiện một số tòa nhà do HUD quản lý, có nơi chỉ thu 1.500 đồng/m2, nhưng dân vẫn chê đắt. Trong khi đó, một số tòa nhà khác, ban quản lý vẫn lấy từ 6.000 đồng đến 18.000 đồng mỗi m2.

“Câu chuyện về phí chung cư luôn khiến doanh nghiệp phải nhức đầu, nhất là khi các tranh chấp xảy ra.  Mặc dù việc quy định về phí dịch vụ chung cư đã được ghi rõ trong hợp đồng, nhưng khi mâu thuẫn xảy ra, vẫn khó có thể giải quyết được.

Đặc biệt, việc áp giá trần dịch vụ nhà chung cư là điều không đơn giản khi mỗi tòa có một chất lượng khác nhau”, ông Bách cho biết.


 
Lý giải về những mâu thuẫn này, ông Nguyễn Ngọc Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mộc và Xây dựng Hà Nội phân tích: Hộ dân thì luôn giữ quan điểm thu phí càng ít càng tốt, nhưng chủ đầu tư là doanh nghiệp, phải trả lương cho nhân viên và cho hệ thống trang thiết bị vận hành tòa nhà, nên phải tính toán mức thu hợp lý, đủ để trả các khoản chi tiêu khác. Vì vậy, việc thống nhất được mức giá với các hộ dân là rất khó khăn.

Tương tự, ông Michael Schmith, Tổng điều hành công sản khu đô thị Nam Thăng Long cũng dẫn chứng, hiện nay mức phí tại khu đô thị này là 7.000-8.000 đồng/m2, biệt thự khoảng 4.000 - 5.000 đồng. Trong khi đó, nếu tính đúng, tính đủ, mức phí sẽ phải là 12.500 đồng/m2.

Hiện để vận hành khu Ciputra thì cần một hệ thống đồ sộ từ nhân viên tới các trang thiết bị kỹ thuật, chỉ tính riêng bảo vệ đã có tới 500 người. Vì vậy, nếu áp đúng theo giá trần do thành phố quy định thì doanh nghiệp sẽ lỗ nặng.

“Với mức giá trần của thành phố là 4.000 đồng/m2, chúng tôi chỉ có thể vệ sinh một tuần một lần thay vì hằng ngày và giảm nhân viên bảo vệ của tòa nhà", ông Michael nói.

Đồng tình với quan điểm thành phố không nên quy định mức giá trần dịch vụ chung cư, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Dầu khí toàn cầu (GP Invest), cho rằng, hiện nay việc phân loại chung cư chưa rõ ràng nên quy định mức trần như thế này rất bất hợp lý.

Ông Hiệp lấy ví dụ từ việc quản lý tòa nhà 175 Đê La Thành do công ty ông làm chủ đầu tư, ông nói: “Chúng tôi thu phí 6.000 đồng mỗi m2 và dự kiến sắp tới sẽ giảm xuống còn 5.000 đồng. Tòa nhà có camera, hệ thống phòng cháy chữa cháy, nhưng không biết có thuộc diện cao cấp không".

Nhiều ý kiến khác tại hội thảo cũng khẳng định, sẽ không khả thi khi cơ quan nhà nước áp giá trần đối với dịch vụ nhà chung cư, bởi bản chất dịch vụ rất đa dạng, dễ dẫn đến hiểu nhầm, thậm chí gây xung đột các bên.

Đại diện Tổng Công ty Cổ phần Vinaconex cũng cho hay, doanh nghiệp đã phải bù lỗ chi phí dịch vụ chung cư liên tục từ năm 2003 - 2011, do mức phí quy định quá thấp.

“Quyết định 4520 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ quy định rất chung về giá trần mà thiếu cụ thể về tần suất sử dụng, chất lượng dịch vụ nên rất khó áp dụng”, vị này nhấn mạnh.

Ông Trần Như Trung, Phó giám đốc Công ty Savills Hà Nội cho rằng, cần thực hiện tốt nguyên tắc trong xây dựng giá dịch vụ như làm rõ tổng thu - chi, các hạng mục chi, công khai và nêu rõ công thức tính giá.

Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị bãi bỏ quy định giá trần đối với dịch vụ nhà chung cư. Nguyên nhân là tính chất của dịch vụ hết sức đa dạng về tần suất, chất lượng, nhu cầu. Vì vậy, không thể xây dựng được mức giá trần cho tất cả các loại dịch vụ.

Ngoài ra, bản thân quan hệ giữa người sử dụng dịch vụ với bên cung cấp dịch vụ là quan hệ dân sự, giao dịch theo kinh tế thị trường nên quy định cứng (giá trần) để áp dụng là chưa phù hợp với thực tiễn quản lý, sử dụng.

Trong khi các doanh nghiệp kiến nghị bỏ giá trần, thì đại diện cơ quan quản lý nhà nước, ông Đỗ Thái Lưu, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế Xây dựng lại cho rằng, nếu chính quyền “buông tay", người dân sẽ chịu thiệt thòi vì chủ đầu tư có thể tự áp đặt mức phí. Khi đó, mâu thuẫn sẽ còn xảy ra nhiều hơn và việc xử lý cũng phức tạp hơn rất nhiều.

“Giá là mức quy định để chung cư hoạt động bình thường. Chủ đầu tư có quyền thu cao hơn quy định miễn sao được hơn 50% người dân ủng hộ. Bởi vậy, giá trần không hề bị khống chế, mấu chốt vấn đề là doanh nghiệp phải công khai minh bạch mức giá”, ông Lưu nhấn mạnh.

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn