• Zalo

Bộ GD&ĐT đã “tuýt còi”, hơn 70 trường vẫn vượt chỉ tiêu

Giáo dụcThứ Năm, 01/03/2012 06:30:00 +07:00Google News

(VTC News)- Thông tin từ Bộ GD&ĐT cho biết, sau khi nhắc nhở 94 trường ĐH, CĐ về việc đăng ký vượt chỉ tiêu, hiện tại vẫn còn hơn 70 trường vẫn vi phạm.

(VTC News)- Thông tin từ BộGD&ĐT cho biết, sau khi nhắc nhở 94 trường ĐH, CĐ về việc đăng ký vượt chỉ tiêu, hiện tại vẫn còn hơn 70 trường vẫn vi phạm.

Năm nay là năm đầu tiên Bộ GD&ĐTgiao cho các trường tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên diện tích xây dựng trường và tỉ lệ sinh viên trên giảng viên cơ hữu.

Tại hội nghị tuyển sinh vừa qua, Bộ GD&ĐT đã công bố 94 trường (gồm 55 trường đại học và 39 trường cao đẳng) đăng ký vượt quá năng lực thực tế của mình.

Nhiều trường ĐH, CĐ không đủ giảng viên cơ hữu nhưng vẫn đăng ký vượt chỉ tiêu tuyển sinh (Ảnh minh họa) 

Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, sau khi yêu cầu các trường này điều chỉnh chỉ tiêu thì tất cả các trường đã giảm chỉ tiêu so với đăng ký ban đầu. Tuy nhiên vẫn còn hơn 70 trường vẫn tiếp tục đăng ký chỉ tiêu vượt xa so với quy định 15%. Đối với các trường này, Bộ GD&ĐT tiếp tục có văn bản yêu cầu các trường điều chỉnh lại một lần nữa dựa trên các tiêu chí về diện tích, cơ sở vật chất, tỉ lệ sinh viên trên giảng viên cơ hữu.

Hiện tại, theo thông tin mới nhất hiện vẫn còn gần 40 trường ĐH, CĐ chưa gửi bản đăng ký thông tin tuyển sinh lên Bộ GD&ĐT.

Chia sẻ với VTC News, giám đốc một Học viện cho rằng hiện nay nhiều trường vẫn chạy theo số lượng và tìm mọi cách để thu hút sinh viên mà quên chú trọng nâng cao chất lượng bằng việc phát triển cơ sở vật chất, nâng cao trình độ của giảng viên. Điều đó lý giải vì sao dù Bộ GD&ĐT đã bị nhắc nhở nhiều lần nhưng nhiều trường vẫn đăng ký chỉ tiêu vượt xa so với năng lực thực tế.

Theo vị giám đốc Học viện này, hiện tại học viện chỉ đăng ký chưa bằng một nửa chỉ tiêu so với quy định để tập trung nâng cao chất lượng. “Chúng tôi có thể hạ thêm vài điểm nữa để lấy được thêm nhiều sinh viên nhưng chúng tôi không làm. Tôi tin sau một vài năm chúng tôi sẽ có tên tuổi”.

Với quy định mới này của Bộ đã khiến nhiều trường phải lo lắng tuyển thêm giảng viên ngay từ cuối năm 2011. Tuy nhiên, không phải trường nào cũng tuyển được người để đáp ứng yêu cầu về chỉ tiêu tuyển sinh, nhất là trường ngoài công lập. Theo lãnh đạo các trường này, nguồn giảng viên của họ phải phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ thỉnh giảng mời từ các trường công.

Trong khi đó, các trường công lập lại khó khăn về diện tích trường chật hẹp. Ở trong khu vực nội thành nên những trường này khó có thể cải thiện về diện tích, nhưng lại có số lượng sinh viên lớn. Nếu trường dân lập luôn nằm trong nhóm những trường có tỷ lệ giảng viên cơ hữu trên sinh viên ít nhất thì những trường chật hẹp hàng đầu và dưới chuẩn lại là trường công lập, tiêu biểu như Đại học Luật Hà Nội (0,67m2/sinh viên), Đại học Xây dựng Hà Nội (0,84 m2/sinh viên), Đại học Kinh tế TP. HCM (0,54m2/sinh viên)…

Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, đối với những trường hợp đặc biệt, cơ sở đào tạo cần nêu những biện pháp khắc phục và đề xuất các phương án đảm bảo chất lượng đào tạo trong tuyển sinh năm 2012 và những năm tiếp theo. Bộ sẽ xem xét và duyệt cho từng trường hợp cụ thể.

Phạm Thịnh 


Bình luận
vtcnews.vn