Tiến sĩ Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, cơ sở giáo dục đại học được quyền tự chủ theo quy định của Luật Giáo dục đại học, trong đó có nội dung tự chủ về tổ chức, bộ máy và nhân sự. Việc giảng viên sử dụng bằng thạc sĩ, tiến sĩ có dấu hiệu như báo chí nêu, Thanh tra Bộ GD&ĐT sẽ yêu cầu các trường liên quan báo cáo, giải trình và xử lý trước theo quy định.
"Trên cơ sở xác minh, báo cáo và kết quả xử lý của các trường, theo chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị thuộc Bộ, Thanh tra sẽ tham mưu làm rõ và xử lý theo thẩm quyền. Việc mua bán, sử dụng “bằng giả” theo nghĩa đen thuộc chức năng xác mình, kết luận của cơ quan công an", ông Cường nêu.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Cường, các trường phải chịu trách nhiệm về hồ sơ ứng viên (trong đó có văn bằng, chứng chỉ) khi tuyển dụng giảng viên, có trách nhiệm kiểm tra, xác minh thông tin liên quan đến lý lịch, văn bằng chứng chỉ khi có nghi ngờ hoặc dấu hiệu không đúng.
Hiện nay có nhiều công cụ để thực hiện việc này, các cơ sở đào tạo khi cấp bằng tốt nghiệp cho người học cũng đã công khai thông tin trên trang thông tin điện tử của họ. Nếu văn bằng do nước ngoài cấp thì gửi cơ quan công nhận văn bằng, chứng chỉ của Bộ GD&ĐT để công nhận.
Theo ông, việc để lọt các trường hợp dùng bằng giả là lỗi của những bộ phận chức năng có trách nhiệm kiểm tra, thẩm định hồ sơ khi tiếp nhận vào trường. "Khi chúng tôi đi thanh tra, kiểm tra, các trường cung cấp thông tin về danh sách giảng viên đã đóng dấu, khẳng định có hợp đồng lao động, có bảo hiểm để xác định là giảng viên cơ hữu của trường,… các trường phải chịu trách nhiệm về hồ sơ giảng viên", ông nhấn mạnh.
Bộ GD&ĐT đã xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu ngành giáo dục trong đó có việc cập nhật dữ liệu danh sách giảng viên cơ hữu của các trường, khi các trường nhập liệu vào phần mềm phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của dữ liệu do mình nhập. Phần mềm là một trong những cơ sở để xác định trùng lặp giảng viên cơ hữu trong các trường, ví dụ: một người đang là giảng viên cơ hữu của một trường không thể là giảng viên cơ hữu trường khác.
Tuy nhiên có một thực tế, hiện nay việc quản lý ở hai hệ thống khác nhau, có những tiến sĩ ở trường cao đẳng (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý) nhưng đồng thời có tên ở trường đại học. Bên cạnh đó, số giảng viên về hưu có thể cũng có tên ở một số trường.
"Chúng tôi đang hoàn thiện hệ thống phần mềm để xác định rõ tình trạng này, từ đó mới có cơ sở xử lý”, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT chia sẻ thêm.
Hôm 27/11, GS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho hay, theo quy định, việc xác minh văn bằng, chứng chỉ là trách nhiệm của cơ quan cấp bằng và cơ quan sử dụng bằng, Bộ GD&ĐT không có trách nhiệm trong việc này.
Về giảng viên Nguyễn Trường Hải sử dụng bằng tiến sĩ giả để thử việc vị trí trường khoa Công nghệ thông tin, trường Cao đẳng Công thương Việt Nam, ông Chương nói, Bộ GD&ĐT đã phân quyền về cho các trường, cơ sở giáo dục, nên khi phát hiện văn bằng chứng chỉ giả cần báo cơ quan công an để xử lý theo quy định của pháp luật và theo mức độ vi phạm.
Với trình độ công nghệ thông tin hiện nay, các đơn vị không mất quá nhiều thời gian để xác minh, xác thực một văn bằng, chứng chỉ được cấp trong nước.
Cục trưởng nhấn mạnh, cơ sở giáo dục cần công khai tất cả văn bằng, chứng chỉ đã cấp theo quy định để thuận lợi cho các bên liên quan tra cứu, xã hội giám sát. Điều này được Bộ GD&ĐT quy định trong thông tư về quản lý văn bằng chứng chỉ. "Thời gian tới Cục Quản lý Chất lượng sẽ tham mưu kiểm tra, giám sát nghiêm công tác cấp phát văn bằng chứng chỉ của các cơ sở giáo dục", ông Chương nói.
Cuối tháng 11, dư luận xôn xao về một giảng viên đang thử việc vị trí trưởng khoa Công nghệ thông tin (trường Cao đẳng Công thương Việt Nam) sử dụng bằng tiến sĩ giả.
Khi nộp hồ sơ, người này cung cấp cho nhà trường bằng tiến sĩ với tên Nguyễn Trường Hải (sinh ngày 13/8/1981), ngành khoa học máy tính, được cấp vào năm 2021 với số hiệu văn bằng QH: 22086798528xx, nơi cấp trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM.
Tuy nhiên, kết quả xác minh cho thấy thông tin trên văn bằng này không đúng với dữ liệu lưu trữ.
Ngoài trường Cao đẳng Công thương Việt Nam, đến nay ít nhất 5 trường đại học trên địa bàn TP.HCM xác nhận, ông Nguyễn Trường Hải dùng bằng thạc sĩ, tiến sĩ giả trên để xin việc và giảng dạy trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay.
Bình luận