• Zalo

Bộ GD-ĐT lý giải điểm mới trong khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân

Giáo dụcThứ Ba, 12/01/2016 08:02:00 +07:00Google News

Bộ GD-ĐT đã đưa ra lý giải điểm mới và những điểm còn ý kiến khác nhau trong khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân.

(VTC News) - Bộ GD-ĐT đã đưa ra lý giải điểm mới và những điểm còn ý kiến khác nhau trong khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân được đề xuất trong tờ trình này có một số điều chỉnh so với các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay về giáo dục.
Bộ GD-ĐT đề xuất hệ thống giáo dục quốc dân mới
Bộ GD-ĐT đề xuất hệ thống giáo dục quốc dân mới  

Giáo dục phổ thông không có thay đổi gì về cấu trúc so với Luật Giáo dục 2005 và Luật sửa đổi một số điều của Luật giáo dục 2009.

“Cơ cấu mới đề nghị khẳng định rõ tính phân luồng trong giáo dục THPT thông qua xác định các hướng chuyên sâu cho học sinh THPT là định hướng chung, định hướng kỹ thuật/công nghệ, hay định hướng năng khiếu.

Học sinh muốn tham gia thị trường lao động sớm có thể theo học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp và trung cấp của giáo dục nghề nghiệp”, lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định.

Giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp không thay đổi về tên các trình độ và phân tầng giáo dục đại học theo quy định của Luật giáo dục đại học nhưng có điều chỉnh về thời gian đào tạo trình độ đại học (đề xuất 3-4 năm khác với quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật giáo dục: 4-6 năm) và trình độ tiến sĩ ( đề xuất 3-4 năm khác với quy định tại khoản 4 Điều 38 Luật giáo dục: 2-4  năm).

Các điều chỉnh này sẽ giúp cho hệ thống giáo dục đại học tiếp cận hơn với chuẩn mực chung của quốc tế trong tổ chức đào tạo đại học và sau đại học.
 

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng đưa ra những ý kiến còn khác nhau trong khung giáo dục hệ thống quốc dân.

“Cách gọi tên 3 loại hình phổ thông chưa được nhất trí cao. Nếu chưa thống nhất được sẽ làm phát sinh ra loại hình trường mới, gây lãng phí”, lãnh đạo Bộ GD-ĐT thông tin.

Về vấn đề này, Bộ GD-ĐT cho rằngcác cơ sở giáo dục thực hiện chương trình THPT theo định hướng kỹ thuật/công nghệ, định hướng năng khiếu sẽ giúp người học vừa trang bị kiến thức THPT hàn lâm, đồng thời có một số hiểu biết kỹ năng nghề để sau đó lựa chọn hướng của giáo dục nghề nghiệp phù hợp là một định hướng quan trọng đối với nước ta hiện nay.

Để thực hiện chương trình này, không nhất thiết hình thành trường trung học mới mà tùy theo khả năng đảm bảo về cơ sở vật chất và đội ngũ mà một cơ sở giáo dục (Đại học, Trường đại học, Trường cao đẳng, Học viện, Trường THPT) có thể được cấp có thẩm quyền cho phép.

“Trình độ sơ cấp có thể coi là điều kiện để học tiếp lên trung cấp được không?

Thuật ngữ “giáo dục bậc cao” hay là “giáo dục đại học”. Theo đó bậc cao đẳng đã chuyển hẳn sang giáo dục nghề nghiệp, do đó sau 3 năm học có thể học cao đẳng hoặc đại học là cùng một khoảng thời gian. Điều này tạo ra tâm lý đi học đại học nhiều hơn.

Giáo dục thường xuyên - học tập suốt đời là một phương thức học tập. Bởi vậy có hay không đưa vào trong cơ cấu hệ thống.

Tại thời điểm xây dựng đề án có sự đối chiếu với ISCED 2011 nhưng do ISCED sẽ thay đổi theo thời gian nên không thể hiện trong văn bản Quyết định của Chính phủ (trừ sơ đồ).

Khung thời gian của một số cấp học, trình độ đào tạo có thay đổi so với các luật hiện hành; Bậc THPT có các định hướng khác nhau chưa được quy định trong luật nên có hay không việc sửa đổi, bổ sung các luật này trước khi Chính phủ ban hành Quyết định này.

Vấn đề liên thông và điều kiện chuyển tiếp giữa các cấp, bậc học chưa được thể hiện trong phương án của đề án, điều này cần giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể”, tờ trình của Bộ GD-ĐT gửi lên Chính phủ nêu rõ.

 Đề án Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân được khởi động từ năm 2013, đã qua nhiều lần dự thảo. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo nghiên cứu nhiều vấn đề liên quan tới cơ cấu khung hệ thống như:
(1) Cơ cấu, hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam qua các thời kì (1945 - nay), trong đó đánh giá thực trạng, chỉ ra các bước phát triển của hệ thống, sự đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;
(2) Hệ thống giáo dục Phần Lan, Cộng hòa Liên bang Đức, Israel, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Nga, Hoa Kỳ, Thái Lan … (các nước trong khu vực có quan hệ hợp tác phát triển giáo dục với Việt Nam, các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới);
(3) Thời lượng của giáo dục phổ thông trên thế giới;
(4) Kinh nghiệm quốc tế về phân loại và xếp hạng đại học;
(5) Mô hình Đại học Quốc gia ở một số nước;
(6) Hệ thống phân loại tiêu chuẩn quốc tế các chương trình giáo dục của UNESCO (ISCED);
(7) Khả năng vận dụng ISCED vào hệ thống giáo dục Việt Nam;
(8) Các phương án điều chỉnh khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân (04 phương án khác nhau đã được đề xuất);
(9) Vị trí hệ thống đào tạo nhân lực ngành y tế trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Các dự thảo Đề án đã được tổ chức lấy ý kiến tại các hội thảo do Bộ chủ trì, với sự tham gia của các Bộ ngành, các cơ sở đào tạo và nhiều chuyên gia.
Dự thảo Đề án và báo cáo tóm tắt các đề xuất điều chỉnh cũng đã được trình bày tại nhiều phiên họp của Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo; Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực. Các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ tại các phiên họp, đóng góp ý kiến của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và một số bộ ngành khác cũng như ý kiến của các tổ chức chính trị-xã hội qua các cuộc làm việc đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc.



Phạm Thịnh

Bình luận
vtcnews.vn