• Zalo

Bộ GD&ĐT đang tính toán đưa hình thức học trực tuyến thành giải pháp lâu dài

Tin tức - Sự kiệnThứ Bảy, 27/02/2021 17:54:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Xuất phát điểm của việc học trực tuyến tại Việt Nam chỉ là giải pháp tình thế nhưng do ưu điểm vượt trội nên Bộ GD&ĐT đang tính toán thành giải pháp lâu dài.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cùng đoàn công tác của Bộ GD&ĐT mới đây kiểm tra công tác dạy học trong điều kiện phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh Thái Nguyên. Do học sinh phải nghỉ học nên các hoạt động giảng dạy trực tiếp trên lớp sẽ được thay thế bằng hình thức học trực tuyến.

Dự giờ một lớp học online và trao đổi nhanh với giáo viên, học sinh, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT ghi nhận được nhiều đánh giá tích cực về phương thức dạy - học trực tuyến.

Đa số học sinh khi được hỏi đều cho biết, các em tiếp nhận tốt kiến thức từ lớp học online, các hoạt động giáo dục, hoạt động tương tác được giáo viên linh hoạt tổ chức giúp học sinh hứng thú với bài giảng.

Cái hay của học trực tuyến là học sinh được ứng dụng công nghệ hiện đại để học tập; tiếp cận được nhiều học liệu mới, sinh động, thú vị hơn và dù thời tiết bên ngoài ra sao, các em vẫn có thể tham gia lớp học. “Nếu đường truyền ổn định hơn thì em thích học online hơn đến trường”, một học sinh nói.

Bộ GD&ĐT đang tính toán đưa hình thức học trực tuyến thành giải pháp lâu dài - 1

Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT kiểm tra công tác dạy học trong đợt dịch COVID-19 tại tỉnh Thái Nguyên.

Theo đánh giá của các giáo viên, hiệu trưởng tại Thái Nguyên, so với năm 2020, năm nay công tác tổ chức dạy học trực tuyến cấp tiểu học trên đại bàn có nhiều thay đổi tích cực.

Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các trường chủ động xây dựng kho bài giảng online sử dụng song song với bài giảng điện tử đã có đồng thời đảm bảo các điều kiện về hạ tầng như đường truyền, phần mềm.

Tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng cơ chế hỗ trợ hạ tầng công nghệ thông tin đến từng địa bàn khó khăn nhất, nhằm hiện thực hoá mục tiêu chuyển đổi số, trong đó có lĩnh vực GD&ĐT.

Ông Phạm Đức Việt, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên cho biết, trong nghị quyết Tỉnh uỷ về chuyển đổi số, ngành giáo dục đã xây dựng kế hoạch và đặt mục tiêu phấn đấu tối thiểu 20% học sinh được học trực tuyến bài bản, thường xuyên, trong điều kiện bình thường, với hình thức, mức độ phù hợp từng đối tượng.

Mục tiêu cuối cùng của kế hoạch này là giúp học sinh, giáo viên được thụ hưởng những ưu điểm, lợi ích tốt nhất từ phương thức này và nâng cao hiệu quả, chất lượng giáo dục.

Kiểm tra thực tế và lắng nghe các báo cáo, trao đổi từ nhiều cấp quản lý, cán bộ, giáo viên tỉnh Thái Nguyên, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao công tác dạy học trực tuyến chủ động, tích cực, sáng tạo, có kiểm soát chất lượng đến từng học sinh của địa phương này.

Hình thức dạy học trực tuyến áp dụng ở Việt Nam xuất phát là giải pháp tình thế nhưng với những ưu điểm vượt trội, Bộ GD&ĐT đang tính toán để biến thành giải pháp lâu dài, vừa bổ trợ dạy học trực tiếp, trong trường hợp cụ thể thì có thể thay thế trực tiếp.

Chủ trương này hoàn toàn phù hợp và sẽ tạo hành lang pháp lý để các địa phương trên cả nước có nhiều thuận lợi thực hiện đề án về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo.T. Thời gian qua và hiện nay, Bộ đang xây dựng, bổ sung hệ thống bài giảng điện tử cho các lớp học/cấp học, để hỗ trợ nhà trường, giáo viên, học sinh sử dụng lâu dài.

Bộ GD&ĐT đang tính toán đưa hình thức học trực tuyến thành giải pháp lâu dài - 2

Hình thức học trực tuyến mang lại nhiều hiệu quả.

Thứ trưởng yêu cầu, từng giáo viên, từng nhà trường, địa phương theo đó phải đặc biệt quan tâm kiểm soát chất lượng học tập của học sinh khi áp dụng phương thức dạy học trực tuyến và có giải pháp hỗ trợ hợp lý, kịp thời tới đối tượng gặp khó khăn.

Cán bộ, giáo viên phải được tập huấn kỹ lưỡng về phương pháp, kỹ năng, kỹ thuật dạy học trực tuyến, xây dựng bài giảng trực tuyến. Học sinh, phụ huynh cũng cần được hướng dẫn kỹ năng và các quy định cần thực hiện để việc dạy học online đạt hiệu quả.

“Phải làm thế nào để mỗi giáo viên, học sinh, phụ huynh hiểu rõ về dạy học trực tuyến, sẵn sàng áp dụng phương thức này và từ động lực trở thành nhu cầu tự thân, nhu cầu thường xuyên với việc học trực tuyến”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.

VŨ NINH
Bình luận
vtcnews.vn