Trước đó, như báo Tin tức đã đưa tin, tại Lạng Sơn, những nghi vấn của dư luận đang dồn vào điểm thi môn ngữ Văn sau khi có một danh sách điểm thi khối C03 (Toán, ngữ Văn, Lịch sử) của 35 thí sinh tự do được chia sẻ trên mạng xã hội.
Bất thường ở chỗ, điểm thi của 35 thí sinh này khá cao, đặc biệt là môn ngữ Văn, trong khi họ đều là thí sinh tự do, lớn hơn học sinh lớp 12 dự thi kỳ vừa rồi từ 3 - 6 tuổi. Tuy tổng điểm thi 3 môn của các thí sinh này chỉ từ 21 đến hơn 25 điểm, nhưng vì được cộng thêm 2,75 điểm ưu tiên nên điểm xét tuyển của các em đội lên thành từ hơn 24 đến gần 28 điểm.
Video: Nghi vấn điểm thi bất thường ở Sơn La: Chuyên gia giáo dục phân tích
Ngay sau đó, Sở GD-ĐT đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Lạng Sơn để có hướng chỉ đạo. UBND tỉnh Lạng Sơn đã có đề nghị rà soát quy trình coi chấm thi. Đặc biệt rà soát kết quả thông tin có 35 trường hợp có điểm bất thường. Sau khi có kết quả chính thức sẽ có thông tin đến báo chí. Hạn chót báo cáo đến ngày mai (20/7).
Còn tại Sơn La, dự kiến trong chiều nay, Tổ công tác sẽ làm việc với ngành GD-ĐT tỉnh.
Nghi vấn nảy sinh khi nghiên cứu phổ điểm các môn Toán, Vật lý. Đối với môn Toán, nếu theo phổ điểm, điểm số trung bình môn Toán của Sơn La rất thấp, ở mức 3,43 so với mặt bằng chung toàn quốc là 4,88. Tuy nhiên, số thí sinh đạt điểm 9 đến 9.8 ở Hội đồng thi này cao bất thường, có tới 30 thí sinh đạt điểm từ 9 trở lên.
Với môn Vật lý, theo phân tích phổ điểm, trung bình môn Vật lý của Sơn La là 4,03, tiếp tục thấp hơn trung bình quốc gia là 4,96. Tuy nhiên, số thí sinh đạt điểm 9 trở lên là 13 trong khi nếu tính tỷ lệ theo phổ điểm, số thí sinh đạt điểm 9 trở lên chỉ có thể là 1. Phân tích phổ điểm này cho thấy sự bất thường ở các mức điểm cao so với sự phân bố điểm toàn quốc.
Năm 2018, tỉnh Sơn La có hơn 10.000 thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia. Qua thống kê dữ liệu điểm thi THPT Quốc gia 2018, tỉnh Sơn La có điểm trung bình tất cả môn thi là 4,21, thấp nhất cả nước.
Trước những thông tin có tiêu cực tại Sơn La và Lạng Sơn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, Trưởng ban chỉ đạo thi THPT Quốc gia 2018 đã quyết định thành lập tổ công tác có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng chỉ đạo việc kiểm tra, xác minh dấu hiệu bất thường về kết quả thi tại tỉnh Sơn La và Lạng Sơn. Như vậy trong vòng 7 ngày, đã có 3 tổ công tác được thành lập để rà soát những bất thường của kỳ thi THPT Quốc gia 2018.
Liên quan đến sai phạm nâng điểm ở Hà Giang, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết, Thanh tra Bộ đã có công văn gửi Ban lãnh đạo Trường Đại học Tân Trào yêu cầu kiểm tra, xử lý đối với 2 cán bộ thanh tra làm nhiệm vụ thanh tra cắm chốt chấm thi THPT Quốc gia 2018 tại Hà Giang theo thẩm quyền và báo cáo Thanh tra Bộ.
Làm nhiệm vụ thanh tra cắm chốt chấm thi THPT Quốc gia 2018 tại Hà Giang là 2 cán bộ trường Đại học Tân Trào. Theo báo cáo, 2 cán bộ này đã tự ý vắng mặt đúng thời điểm quét bài thi trắc nghiệm. Việc bỏ vị trí không xin phép, báo cáo này đã vi phạm nghiêm trọng quy định về tổ chức hoạt động thanh tra. Điều đáng chú ý là dù vắng mặt 2 thanh tra do Bộ điều động nhưng Ban Chấm thi của Hội đồng thi tỉnh Hà Giang vẫn tiến hành quét bài thi trắc nghiệm.
Video: Gian lận điểm thi ở Hà Giang - Nỗi đau của cả ngành giáo dục
Cũng theo ông Bằng, tại kỳ thi THPT Quốc gia 2018, Thanh tra Bộ cử 126 cán bộ từ các trường đại học làm nhiệm vụ thanh tra chấm thi tại 63 Hội đồng thi trong cả nước. Nhiệm vụ của cán bộ thanh tra là kiểm tra giám sát toàn bộ quá trình chấm thi khác với nhiệm vụ của thanh tra Sở GD-ĐT là phải giám sát trực tiếp cùng cán bộ công an. Theo quy định, các cán bộ thanh tra này phải làm việc liên tục trong quá trình chấm thi.
Từ vụ việc Hà Giang, Thanh tra Bộ đã yêu cầu tất cả nhóm thanh tra báo cáo tình hình và kết quả nhiệm vụ để tổng hợp kịp thời xử lý nếu có vi phạm xảy ra. "Hành vi nâng điểm thi cho thí sinh trong khi chấm thi ở Hà Giang đã vi phạm rất nghiêm trọng quy chế thi. Bộ GD-ĐT kiên quyết chỉ đạo xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể vi phạm, theo quy định của pháp luật để đảm bảo kỷ cương, nghiêm túc của kỳ thi THPT Quốc gia 2018 và cả cho những năm tiếp theo" - lãnh đạo Bộ GD-ĐT nhấn mạnh.
Cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, làm rõ, củng cố hồ sơ để xử lý các cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật.
Cán bộ thanh tra do Bộ GD-ĐT điều động có nhiệm vụ giám sát chung quy trình chấm thi, còn việc phải giám sát toàn bộ quá trình chấm do thanh tra của Sở GD-ĐT. Tuy nhiên, thanh tra do Bộ GD-ĐT điều động vẫn phải làm việc liên tục, không được phép vắng mặt bất cứ lúc nào trong suốt quá trình chấm thi.
Bình luận