Liên quan đến vụ việc bé trai 10 tuổi bị bố đánh đập dã man ở Hà Nội, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, Điều 37 Hiến pháp 2013 quy định: "Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em".
Điều 7 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004 cũng quy định: "Các hành vi bị nghiêm cấm: Hành hạ, ngược đãi, làm nhục, chiếm đoạt, bắt cóc, mua bán, đánh tráo trẻ em; lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi; xúi giục trẻ em thù ghét cha mẹ, người giám hộ hoặc xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của người khác".
Video: Bé trai 10 tuổi bị bố đẻ bạo hành trong thời gian dài
"Xét hành vi phạm tội của đối tượng thì thấy, người bố hành hạ, ngược đãi con đẻ của mình gây tổn hại rất lớn về sức khỏe, tâm lý của cháu bé trong suốt một thời gian dài.
Hành vi này không những vi phạm nghiêm trọng pháp luật mà còn gây bàng hoàng trong dư luận xã hội, ảnh hưởng xấu đến đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống đạo lý gia đình và xã hội Việt Nam.
Hành vi phạm tội của đối tượng đã có dấu hiệu phạm 2 tội, đó là: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác và Tội ngược đãi hoặc hành hạ con đẻ. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 104 và Điều 151 Bộ luật hình sự 1999", luật sư Thơm phân tích.
Vị luật sư này cho rằng để xử lý xem xét hành vi phạm tội của đối tượng, cần căn cứ vào tính chất mức độ và hậu quả đã gây ra cho cháu bé.
Nếu cháu bé bị người bố bạo hành thô bạo gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe của cháu bé từ 11% trở lên, người bố sẽ bị xử về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự 1999.
Nếu tỷ lệ thương tật dưới 11% nhưng do phạm tội với trẻ em nên đối tượng vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
"Tuy nhiên để xử lý các đối tượng về tội Cố ý gây thương tích theo Điều 104 Bộ luật hình sự, người đại diện hợp pháp cho người Bị hại (mẹ đẻ cháu bé) cần thiết phải có đơn yêu cầu xử lý đối tượng theo quy định tại Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự 2003.
Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại “Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.
Nếu trong trường hợp, người đại diện hợp pháp cho người bị hại chưa thành niên không yêu cầu xử lý và không đưa cháu bé đi giám định tỷ lệ thương tật thì các cơ quan tố tụng hoàn toàn có thể xử lý đối tượng về Tội hành hạ con theo quy định tại Điều 151 Bộ luật hình sự 1999", luật sư Thơm nói.
Về việc nuôi dưỡng cháu bé, ông Thơm cho hay: "Khi ly hôn, người bố đã được Tòa án quyết định giao cháu bé cho nuôi dưỡng. Hiện tại, người bố đang quá trình điều tra, xử lý về hành vi bạo hành cháu bé nên Cơ quan tố tụng có thể tạm thời giao cháu cho mẹ đẻ nuôi dưỡng trong quá trình giải quyết vụ án.
Sau khi có quyết định xử lý của các cơ quan tố tụng, người mẹ có thể yêu cầu Tòa án nơi giải quyết việc ly hôn thay đổi quyền nuôi con theo Điều 84 Luật hôn nhân gia đình 2014".
Video: Bị bạo hành đến gãy xương sườn, bé trai 10 tuổi vẫn xin mẹ 'Đừng để bố vào tù'
Trước đó, tối 5/12 cháu Trần Gia Kh. (10 tuổi) tìm về nhà ông bà nội ở ngõ 55 đường Hoàng Hoa Thám, (phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội) để cầu cứu, vì bị bố bạo hành dã man.
Sau khi nhận ra cháu nội trên người đầy thương tích, người thân đã trình báo sự việc với cơ quan chức năng đồng thời đi kiểm tra sức khỏe và tâm lý cho cháu Kh.
Theo thông tin từ người thân, trước đây cháu Kh. nặng khoảng 40kg, song giờ chỉ còn 20kg. Qua kiểm tra sức khỏe ban đầu, trên cơ thể cháu Kh. có nhiều vết thương, xương sườn bị gãy và đầu bị rạn sọ não.
Được biết, bố mẹ cháu Kh. chia tay nhau nên cháu Kh. được bố đưa đi ở cùng mẹ kế. Theo lời kể của cháu Kh., gần 2 năm qua cháu không được đi học, thường xuyên phải làm việc nhà và bị đánh đập.
Vì thế, ngày 5/12 lợi dụng sơ hở, cháu Kh. đã bỏ trốn khỏi nơi ở và về nhà ông bà nội để cầu cứu.
Ngày 6/12, Công an quận Cầu Giấy ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Trần Hoài Nam (34 tuổi, trú tại phường Nghĩa Đô) là cha ruột của cháu Kh.
Điều 84. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Có tổ chức; g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê; i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm; k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.
Điều 151. Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình
Người nào ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
Bình luận