Ngày 20/3 trả lời VTC News, ông Nguyễn Đại Phúc cho biết, để đảm bảo cho việc tính tiền điện của của khách hàng sau quyết định điều chỉnh giá điện của Bộ Công thương, Công ty Điện lực tỉnh Thừa Thiên - Huế đã huy động hơn 550 nhân lực để thực hiện chốt chỉ số công tơ của hơn 27.500 khách hàng ngoài sinh hoạt theo quyết định trong ngày 20/3.
Đối với khách hàng sinh hoạt có ngày ghi chỉ số không trùng với ngày điều chỉnh giá điện thì tiền điện sẽ được tính theo phương pháp nội suy.
Trước đó, ngày 20/3 Bộ Công thương chính thức công bố điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ tăng giá điện ở mức 8,36%. Giá bán điện thương phẩm bình quân hiện tại là 1.660,19 đồng/kWh. Nếu tăng ở mức này, giá điện bình quân sẽ lên mức gần 1.800 đồng/kWh.
Giá bán lẻ điện sinh hoạt được điều chỉnh tương ứng chia làm 6 bậc: Bậc 1 từ 0-50 kWh được tính giá 1.678 đồng/kWh. Bậc 2 được tính giá 1.734 đồng cho mức tiêu thụ 51-100 kWh. Bậc 3 giá bán là 2.014 đồng cho mức tiêu thụ 101-200 kWh.
Giá bậc 4 là 2.536 đồng cho 201-300 kWh; bậc 5 có giá 2.834 đồng cho 301-400 kWh; bậc 6 được tính 2.927 đồng cho 401 kWh trở lên.
Liên quan đến tác động của việc điều chỉnh giá này tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), Bộ Công Thương đã phối hợp với Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) để tính toán tác động của việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 tới các chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá sản xuất (PPI) và tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Cụ thể, theo tính toán của Tổng cục Thống kê thì CPI năm 2019 tăng trong khoảng 3,3% - 3,9% (bao gồm cả tác động từ tăng giá điện). Với mức tăng CPI này, việc điều chỉnh giá điện vẫn đảm bảo mục tiêu CPI năm 2019 được Quốc hội thông qua là dưới 4%.
Bình luận