Trả lời VTC News, ông Nguyễn Lộc An – Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, cuộc họp nhằm làm rõ các vấn đề xung quanh việc Tập đoàn Central Group đưa ra thông báo siêu thị Big C sẽ tạm dừng thu mua sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp Việt Nam.
Trong khi đó, liên quan đến vấn đề này, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, đã nắm được thông tin ban đầu về việc một số doanh nghiệp may mặc Việt Nam bị bất ngờ dừng hợp đồng cung ứng sản phẩm cho Big C. Hiện tại, Hiệp hội đang phối hợp cùng Bộ Công Thương và lãnh đạo Big C để làm rõ nguyên nhân.
Sự việc Big C ngừng nhập mặt hàng dệt may của các công ty cung ứng Việt Nam đang làm dấy lên những phản ứng gay gắt từ dư luận. Tuy nhiên, trả lời về vấn đề Big C phải có trách nhiệm nhập hàng Việt hay không, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các siêu thị không có cam kết ràng buộc việc phải sử dụng hàng Việt trên kệ siêu thị mà trên tinh thần tự nguyện, khuyến khích các doanh nghiệp này ưu tiên dùng nguồn hàng của các doanh nghiệp Việt Nam.
Dù vậy, đại diện Vụ Thị trường trong nước khẳng định, Bộ Công Thương sẽ có trách nhiệm làm việc lại với Big C về vấn đề này đồng thời xem xét nguyên nhân cụ thể.
Trước đó, ngày 2/7, Central Group Việt Nam - Chủ chuỗi siêu thị Big C Việt Nam hiện nay - gửi thông báo đến các nhà cung ứng Việt về việc dừng mua các sản phẩm may mặc trong nước.
Nội dung thông báo cho biết, hành động này nhằm chuẩn bị cho kế hoạch tái cấu trúc ngành hàng may mặc của tập đoàn tại thị trường Việt Nam. Vì vậy Central Group quyết định tạm dừng hoạt động thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp ngành hàng may mặc tại Việt Nam, kể từ tháng 7/2019.
Theo Central Group, việc tạm dừng đặt hàng của Central Group sẽ kéo dài đến khi có thông báo tiếp theo. Tất cả vấn đề phát sinh trước 2/7/2019 sẽ được tập đoàn này tiếp tục giải quyết theo quy định của Hợp đồng Hợp tác Thương mại mà công ty đã ký với nhà cung cấp.
Cũng theo thông báo, việc tạm ngừng đặt hàng tạm thời nói trên là do có sự thay đổi chiến lược phát triển mô hình ngành hàng may mặc cho phù hợp với chỉ đạo của Tập đoàn Central tại Thái Lan.
Ngay sau thông báo, chiều 3/7, nhiều người lao động và chủ doanh nghiệp dệt may Việt Nam tập trung tại văn phòng đại diện Central Group ở TP HCM để chất vấn và phản đối sự việc.
Động thái ngừng nhập hàng dệt may Việt Nam của BigC cũng làm dấy lên những lo ngại từ các chuyên gia kinh tế. Theo các chuyên gia, nếu tiền lệ này được thông qua, không chỉ hàng dệt may mà có thể hàng loạt các sản phẩm Việt Nam khác trong siêu thị do nước ngoài sở hữu, sẽ từng bước bị đẩy ra ngoài, nhường chỗ cho các sản phẩm ngoại nhập.
Bình luận