Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của phụ tải giai đoạn 2016 - 2030, mỗi năm, hệ thống điện phải bổ sung khoảng 6.000 - 7.000 MW công suất. Trong khi nguồn điện dự phòng gần như không còn, nhiều dự án điện nằm trong quy hoạch điện VII điều chỉnh bị chậm tiến độ. Việc cung ứng nhiên liệu cho sản xuất điện cũng đang gặp khó khăn do nguồn khí suy giảm, nguồn than hạn chế.
Tính toán của Cục Điện lực và năng lượng tái tạo cho thấy sản lượng thiếu hụt năm 2021 khoảng 6,6 tỷ kWh, đến năm 2022 tăng lên khoảng 11,8 tỷ kWh, năm 2023 có thể lên đến 15 tỉ kWh, tương ứng 5% nhu cầu.
Trả lời VTC News ngày 15/12, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, nguyên nhân dẫn đến nguy cơ thiếu điện tới năm 2025 là do chậm tiến độ đưa vào vận hành các dự án nguồn điện, nhất là các dự án nhiệt điện tại miền Nam.
Trong đó, đường dây 500kV Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku để tăng cường khả năng truyền tải Bắc - Nam, hiện đã bị chậm tiến độ gần 1 năm, nếu không thể hoàn thành đường dây này đầu năm 2020 sẽ có nguy cơ thiếu điện miền Nam.
Hệ thống điện lại gần như không có dự phòng trong các năm 2021-2025, nên trong trường hợp các tổ máy nhiệt điện vận hành không ổn định, hoặc không đảm bảo cung cấp than cho phát cũng sẽ ảnh hưởng việc đảm bảo cung ứng điện.
Thêm nữa, việc đảm bảo nguồn nhiên liệu cho phát điện cũng còn tiềm ẩn rủi ro. Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã báo cáo dừng thực hiện dự án cảng trung chuyển than Đồng bằng sông Cửu Long do không thỏa thuận được địa điểm và hiện chưa có giải pháp để tiếp tục thực hiện.
Nguồn khí Đông Nam Bộ cấp cho cụm Nhiệt điện Phú Mỹ sẽ suy giảm từ sau năm 2020, tới năm 2023, 2024 dự kiến sẽ thiếu hụt khoảng 2 – 3 tỷ m3/ năm và lượng thiếu hụt này tăng rất nhanh tới trên 10 tỷ m3 năm 2030.
“Với trách nhiệm chính trong việc đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Công Thương đã thường xuyên phối hợp với các bộ ngành liên quan và địa phương tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát các nguồn điện lớn, quan trọng để giải quyết khó khăn vướng mắc, thúc đẩy tiến độ các dự án (như Nhiệt điện Thái Bình 2, Long Phú I, Sông Hậu I, Vĩnh Tân…) và làm việc với địa phương về công tác đền bù giải phóng mặt bằng các dự án lưới điện”, nguồn tin tại Bộ Công Thương cho biết.
Việc kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, nhà thầu và các đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện các dự án để đảm bảo tiến độ theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh được Thủ tướng phê duyệt cũng được Bộ Công Thương thực hiện thường xuyên.
“Tuy nhiên, các khó khăn, vướng mắc của các dự án chủ yếu liên quan đến vấn đề tài chính, thu xếp vốn, năng lực của chủ đầu tư và tổng thầu, cơ chế, chính sách… Trong đó, có nhiều vấn đề vượt thẩm quyền xử lý của Bộ Công Thương”, nguồn tin nói thêm.
Nhằm đảm bảo cung cấp điện, đại diện Bộ Công Thương cho biết trước mắt sẽ tập trung nghiên cứu sử dụng tối đa các nguồn điện hiện có. Trong đó, ưu tiên cấp nhiên liệu (than, khí) cho sản xuất điện; chuyển đổi nhiên liệu cho một số nhà máy điện từ sử dụng FO sang sử dụng LNG.
Bổ sung thêm các nguồn năng lượng tái tạo, chủ yếu là điện mặt trời và điện gió có khả năng triển khai nhanh, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của phụ tải trong ngắn hạn. Theo tính toán, trường hợp năm khô hạn, để đảm bảo cân đối cung cầu giai đoạn 2021-2023, cần bổ sung thêm khoảng 6,3 GW điện mặt trời và 1,2 GW điện gió so với số lượng đã được bổ sung quy hoạch, nâng tổng quy mô công suất đến năm 2023 khoảng 16,9 GW đối với điện mặt trời (chiếm 15,2% tổng công suất nguồn) và khoảng 6,0 GW điện gió (chiếm 5,6% tổng công suất nguồn).
Trường hợp chậm trễ thêm các dự án nhiệt điện Thái Bình 2 và Long Phú 1 cần bổ sung thêm 8 GW điện mặt trời và 2,2 GW điện gió. Trong đó nguồn điện gió và mặt trời bổ sung quy hoạch cần phải lựa chọn các dự án nằm tại hệ thống điện miền Nam và gần trung tâm phụ tải, thì mới có thể vào vận hành kịp tiến độ năm 2021-2023.
Đồng thời, tiếp tục ký kết hợp đồng mua bán điện để nhập khẩu điện từ Lào phù hợp với các biên bản đã ký giữa hai bên.
Bộ Công Thương cũng cho biết về lâu dài sẽ rà soát và hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật.
Triển khai xây dựng các định mức tiêu hao năng lượng trong các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng. Áp dụng các giải pháp để chuyển dịch từ việc sử dụng các công nghệ, các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng sang các ngành, công nghệ có hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng.
Từ đề xuất của các địa phương, Bộ Công Thương cũng đã có các nghiên cứu và đề xuất với Thủ tướng xem xét bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh các nhà máy điện, trung tâm điện lực khí sử dụng LNG nhập khẩu như: Cà Ná (Ninh Thuận), Long Sơn (Bà Rịa – Vũng Tàu), Nhà máy điện LNG Bạc Liêu với quy mô mỗi trung tâm khoảng 3.200 - 4.500MW. Đây là giải pháp đảm bảo cung cấp điện trong kịch bản thay thế cho các nhà máy điện than hoặc trong trường hợp khí cung cấp cho các nhà máy điện bị suy giảm.
Từ ngày 10/11/2018, Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước (UBQLVNN) nước tại doanh nghiệp ký biên bản bàn giao 5 tập đoàn và 1 tổng công ty nhà nước sang UBQLVNN làm đại diện chủ sở hữu. Do vậy để đảm bảo tiến độ các dự án điện cần Ủy ban quản lý vốn chà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn sớm xem xét, phê duyệt hoặc trình Thủ tướng phê duyệt các dự án đầu tư đang trình Ủy ban để các chủ đầu tư có căn cứ triển khai thực hiện các bước tiếp theo.
Đối với các dự án do EVN, PVN, TKV làm chủ đầu tư, UBQLVNN tiếp nhận quản lý, chịu trách nhiệm tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc thực hiện các dự án, tháo gỡ các vướng mắc, tồn tại của các dự án theo thẩm quyền nhằm đảm bảo tiến độ các dự án theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh được duyệt, đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế xã hội.
Tiếp tục chỉ đạo xử lý các vấn đề liên quan đến công tác đầu tư, xây dựng các dự án điện theo chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Nghị định số 131/2018/NĐ-CP.
Bình luận