Theo ông Nguyễn Việt Sơn, Vụ trưởng Vụ Dầu khí – than (Bộ Công Thương), giá dầu thô khai thác trong nước của Việt Nam thường được tham chiếu đến giá dầu thô Brent. Do đó việc giá dầu giảm sâu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tổng doanh thu, nộp ngân sách nhà nước của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Theo tính toán, nếu giá dầu trung bình cả năm 2020 đạt 30 USD/thùng thì doanh thu toàn PVN giảm 19% so với kế hoạch năm, đạt 520 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách giảm 38,4% so kế hoạch năm, đạt 50,6 nghìn tỷ đồng.
“Trung bình nếu giá dầu giảm 1 USD thì doanh thu toàn PVN giảm 4,6 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách giảm 1 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch”, ông Sơn nói.
Nhằm đối phó với giá dầu giảm sâu, Vụ trưởng Vụ Dầu khí – than cho biết, Bộ Công Thương chỉ đạo PVN rà soát tổng thể kế hoạch các lô dầu khí, các giếng khoan khai thác, xác định mức giá dầu khả thi để có các quyết sách tiếp tục thực hiện hay ngừng các giếng có sản lượng khai thác thấp. Cân đối sản lượng các mỏ có giá thành tốt để bù đắp cho phần thiếu hụt sản lượng ở những mỏ phải đóng hoặc giảm sản lượng.
Rà soát lại các nhiệm vụ thuộc công tác thăm dò - thẩm lượng, công tác phát triển mỏ mới, đảm bảo gia tăng đủ trữ lượng để chuẩn bị đưa mỏ vào khai thác trong năm 2020 nhằm đón đầu khi giá dầu tăng.
Vụ Dầu khí – than cũng yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ chuẩn bị ngay các giải pháp ứng phó với nhu cầu dịch vụ cũng như giá dịch vụ sẽ giảm để đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Nghiên cứu, đầu tư công nghệ mới để tái cơ cấu lại các loại sản phẩm của PVN nhằm đẩy mạnh phát triển các sản phẩm trong chuỗi giá trị dầu khí có giá trị gia tăng cao để bù đắp từng phần cho sự chi phối từ sản phẩm dầu khai thác.
Đặc biệt, PVN tính phương án cắt giảm giảm tối đa chi phí thuê ngoài, các nhiệm vụ chưa thật sự cấp bách. Thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi phí, thường xuyên tổ chức tự kiểm tra giám sát để chấn chỉnh kịp thời các chi tiêu bất hợp lý.
Xây dựng ngay các giải pháp tài chính, đầu tư tổng thể trong toàn ngành dầu khí (bao gồm cả kế hoạch huy động nguồn vốn) để ứng phó kịp thời với những biến động xấu nhất của giá dầu trong năm 2020. Xây dựng các hạng mục đầu tư theo thứ tự ưu tiên phụ thuộc vào sự biến động của giá dầu. Tập trung vốn cho các dự án đầu tư có hiệu quả thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính, không đầu tư các dự án chưa thật sự cấp bách.
Bộ Công Thương cũng có văn bản báo cáo và kiến nghị Thủ tướng về các giải pháp (tài chính, đầu tư, thị trường, kinh doanh,…) nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành dầu khí giai đoạn này.
Liên quan đề xuất ngừng nhập khẩu xăng dầu của PVN, đại diện Vụ Dầu khí – than cho hay hiện tại, Việt Nam có hai Nhà máy lọc dầu là Dung Quất và Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn (đều có vốn góp của PVN), đáp ứng trên 80% nhu cầu xăng dầu trong nước.
Thời gian vừa qua, do tác động kép của dịch COVID-19 và giá dầu giảm sâu, các nhà máy lọc dầu trong nước gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Do đó, lãnh đạo Vụ Dầu khí – than yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu nghiên cứu, thực hiện các giải pháp như tối ưu hóa, tiết giảm chi phí vận hành; giảm giá thành sản phẩm; có cơ chế thanh toán linh hoạt; điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường (giảm công suất, điều chỉnh cơ cấu chủng loại sản phẩm Nhà máy lọc dầu); xuất khẩu sản phẩm trong nước không tiêu thụ hết...
Trong khi đó, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cũng điều chỉnh kế hoạch kinh doanh phù hợp với tình hình diễn biến thị trường và nhu cầu tiêu thụ xăng dầu; hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất trong nước bằng cách tiêu thụ tối đa lượng xăng, dầu sản xuất trong nước.
Vụ Dầu khí – than cũng kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu (ban hành các chính sách hỗ trợ về thuế, tiền tệ...); khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp tăng cường phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh (thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu ưu tiên tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất trong nước thay vì nhập khẩu; thương nhân sản xuất xăng dầu có chính sách bán hàng linh hoạt, giảm giá thành...)
“Cần thiết phải có giải pháp tổng thể trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và của người dân, đồng thời phù hợp với quy định hiện hành và các thỏa thuận, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết”, lãnh đạo Vụ Dầu khí – than nhấn mạnh.
Video: Giá dầu xuống âm, doanh nghiệp Mỹ tính phá sản hàng loạt
Bình luận