Trước thí điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo xóa bỏ công chức, viên chức trong ngành giáo dục, dư luận đã có nhiều ý kiến tranh luận xung quanh vấn đề này. Theo đó, nhiều người cho rằng, cần đổi mới nhận thức, nếp suy nghĩ công chức, viên chức là định biên và đã làm là phải quyết tâm và đồng thuận cao độ.
TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội đã đưa ra những ý kiến cá nhân xung quanh vấn đề này.
Thí điểm bỏ biên chế giáo viên là ý tưởng đang gây nhiều tranh cãi và khiến hàng triệu giáo viên lo lắng, hoang mang, thậm chí rất đau lòng. Ông có thể bày tỏ quan điểm của mình trước vấn đề này?
Hiện nay, trong ngành giáo dục nói riêng và lao động viên chức nói chung đang thừa nhiều. Đối với ngành giáo dục, chất lượng giáo dục có nhiều yếu tố tác động. Trong đó, yếu tố quyết định nhất là nhà đội ngũ nhà giáo.
Chúng ta đang loay hoay thay đổi chương trình, thay đổi sách giáo khoa, thi cử… nhưng không thay đổi được thầy thì chất lượng giáo dục không đảm bảo cũng như mang lại hiệu quả cao.
Quan điểm của tôi, có 2 lý do chúng ta nên ủng hộ, mặc dù hiện còn khó khăn, nhưng nên ủng hộ Bộ GD-ĐT, ủng hộ Chính phủ tìm cách cải tiến. Có thể, ngành giáo dục đi đầu trong ngành công chức, viên chức. Tuy vậy, tất cả các ngành phải làm, không để chỉ ngành giáo dục làm ‘chuột bạch’.
Nếu vấn đề giáo dục này mở ra cho sự phát triển của đất nước thì chúng ta sẵn sàng đi trước, nhưng tất cả các ngành đều phải làm theo.
Nếu thực hiện việc chuyển giáo viên sang chế độ hợp đồng, theo ông sẽ có ưu và nhược điểm gì?
Ưu điểm, chúng ta sẽ có được đội ngũ nhà giáo tâm huyết, tài năng nhiệt tình cống hiến cho sự nghiệp giáo dục bằng những sự chọn lọc đứng đắn, chứ không phải bằng những tiêu cực.
Theo tôi, ưu điểm lớn nhất, không phải lo tuyển sinh, không phải lo đầu vào, đầu ra, không có động cơ đổi mới, động cơ sáng tạo.
Việc tuyển chọn giáo viên theo xu hướng này, luôn luôn phải làm, không chỉ làm 1-2 năm rồi bỏ. Cách đánh giá phải liên tục, liên tục tuyển chọn, liên tục đánh giá, như thế mới làm cho ngành giáo dục đi vào chất lượng, phát triển theo đúng quy luật của nó.
Tuy nhiên, không thể áp dụng ngay được, cần phải có lộ trình. Quan trọng hơn cả là cần thay đổi được nhận thức đội ngũ giáo viên, việc này hoàn toàn không đơn giản.
Cùng với việc bỏ biên chế, luật viên chức, luật giáo dục và đặc biệt cơ chế quản lý, trả lương cũng phải thay đổi.
Điều quan trọng nữa, phải tuyển dụng được đội ngũ cán bộ quản lý của các nhà trường, phòng, sở thực sự có tâm, có tài nếu không sẽ làm mờ đi những ánh sáng của đổi mới.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc xóa bỏ công chức, viên chức sẽ loại bỏ được vấn đề tiêu cực trong giáo dục. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Quan điểm của tôi, ngành giáo dục của chúng ta chưa dựa vào những quy luật tích cực của nền kinh tế thị trường.
Mỗi trường học phải là một thương hiệu, học sinh và phụ huynh phải là khách hàng thượng đế. Hiện nay, giáo dục của chúng ta mất dân chủ, đang bị những mặt trái của nền kinh tế thị trường lũng loạn giáo dục.
Cụ thể, việc dạy thêm, học thêm đang là có nhiều mặt trái đáng quan tâm. Hơn nữa, vấn đề chạy chức chạy quyền không chỉ xảy ra trong ngành giáo dục mà các ngành nghề khác cũng tương tự.
Việc đánh giá mỗi nhà giáo bằng năng lực, cống hiến và sự sáng tạo thì mới sớm đẩy lùi được bệnh thành tích. Áp dụng sớm sẽ đẩy lùi được mặt tiêu cực của kinh tế thị trường tác động vào ngành giáo dục.
Nếu bỏ biên chế, thay thành hợp đồng với giáo viên thì cấp quản lý như hiệu trưởng, hiệu phó có nên làm như vậy không?
Tôi nghĩ, hiệu trưởng, hiệu phó cũng là giáo viên giỏi được đề bạt lên thì họ cũng phải cùng thuyền.
Khi hiệu trưởng, hiệu phó là viên chức không ai động đến được thì chắc chắn họ không tuyển giáo viên được và việc tuyển giáo viên nó sẽ méo mó. Do đó, từ lãnh đạo đến nhân viên trong nhà trường đều thực hiện theo cơ chế bỏ viên chức thay bằng hợp đồng.
Bên cạnh đó, có sự giám sát của các ngành chức năng khi phải tuyển hiệu trưởng trước khi tuyển giáo viên. Hiện nay, chúng ta chưa giao tự chủ cho nhà trường nhưng nếu theo phương thức giao tự chủ, phải tuyển lãnh đạo giỏi mới dẫn dắt nhà trường phát triển được.
Vậy nên, quan điểm của tôi, đổi mới trong đội ngũ các nhà giáo, trước hết phải đổi mới cán bộ quản lý nói chung và trong các trường học nói riêng là phải đi trước một bước.
Video: Bí thư Đinh La Thăng: Cán bộ, công chức nhiều lần xin lỗi thì phải bị loại
Có ý kiến cho rằng, Bộ GD-ĐT chỉ nên chuyển chế độ hợp đồng với những giáo viên trẻ, giáo viên mới ra trường còn những giáo viên có thâm niên thì giữ nguyên biên chế. Nhận định của ông trước ý kiến này?
Tôi không đồng ý với ý kiến này. Như tôi đã nói, toàn bộ cán bộ, viên chức từ lãnh đạo đến nhân viên trong mỗi nhà trường đều phải thực hiện một cơ chế quản lý, một cơ chế tuyển chọn, sử dụng và đãi ngộ.
Có 3 khâu trong giáo viên: Đào tạo bồi dưỡng, sử dụng và tuyển chọn. Như vậy, sử dụng gắn liền với tuyển chọn và đi theo đãi ngộ.
Tuy nhiên, với giáo viên có thâm niên nhiều năm, trong lộ trình họ phải được ưu tiên bồi dưỡng và có thời gian để chuyển đổi. Nghĩa là những giáo viên này phải có quá trình, thời gian nhất định để chuyển đổi. Cuối cùng họ không chuyển đổi được họ về hưu sớm, họ phải chuyển ngành, đấy là yếu tố tất yếu.
Tóm lại, không ai được đứng ngoài quy luật này, nếu không sẽ rối loạn, chúng ta không thể có cuộc cách mạng triệt để được. Chúng ta chấp nhận tỷ lệ giáo viên nhất định đã vào nhầm ngành, chọn nhầm nghề thì họ phải thay đổi và họ sẽ phải tìm nghề khác phù hợp với hơn.
Vì vậy, không thể lấy lý do đã vào biên chế, đã ký hợp đồng, không ai làm gì được, thì chúng ta chỉ làm cách mạng nửa vời.
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo
Phẫn nộ
Bình luận