Ngày 7/8, nguồn tin từ Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra lệnh tạm giam bị can Trịnh Xuân Thanh (51 tuổi), nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang để điều tra về hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Video: Trịnh Xuân Thanh đối mặt với mức án nào?
Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an, việc tạm giam là để phục vụ điều tra về hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài ra, ông Trịnh Xuân Thanh còn bị điều tra về tội tham ô tài sản trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Dự án Thanh Hà - Cienco 5 Land.
Video: Trịnh Xuân Thanh nói 'Tôi ra đầu thú để được hưởng khoan hồng'
Trước đó, ngày 16/9/2016, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Trịnh Xuân Thanh về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, đồng thời ra lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét đối với ông Thanh. Tuy nhiên, thời điểm CSĐT tống đạt quyết định khởi tố, ông Thanh không có mặt tại nơi cư trú cũng như tại nơi làm việc.
Sau khi xác định bị can Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra Quyết định số 19/C46-P12 truy nã toàn quốc, và đến ngày 29/9/2016, truy nã quốc tế ông Trịnh Xuân Thanh.
Tháng 3/2017, Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội qua xét xử phúc thẩm các bị cáo trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại dự án Thanh Hà - Cienco 5 Land (quận Hà Đông, Hà Nội), đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tham ô tài sản có liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh.
Ngày 31/7, sau gần 1 năm bỏ trốn, ông Trịnh Xuân Thanh đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đầu thú.
Ngày 3/8, ông Trịnh Xuân Thanh đã xuất hiện trên Đài truyền hình Việt Nam kèm lá đơn nói về việc đầu thú của mình: “Tôi thấy lo sợ trước kết luận về vi phạm của tôi và phải chịu trách nhiệm là người đứng đầu trong thua lỗ của PVC. Do lo sợ, suy nghĩ không hết, tôi đã quyết định trốn tại Đức. Trong thời gian này, cuộc sống trốn tránh bấp bênh, luôn lo sợ. Được sự động viên của gia đình, bạn bè, tôi đã về Việt Nam và ra đầu thú tại cơ quan an ninh điều tra để được hưởng sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước và pháp luật”.
Hiện tại, toàn bộ hồ sơ các vụ án liên quan đến Trịnh Xuân Thanh đã được bàn giao sang Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an để điều tra làm rõ.
Tính tới hiện tại, ngoài ông Trịnh Xuân Thanh, 10 thuộc cấp dưới quyền ông Thanh vướng vòng lao lý, bao gồm:
1. Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng Giám đốc PVC)
2. Nguyễn Mạnh Tiến (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC)
3. Trương Quốc Dũng (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC)
4. Phạm Tiến Đạt (nguyên Kế toán trưởng PVC)
5. Ðỗ Văn Hồng (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty PVC-KB)
6. Lương Văn Hòa (nguyên Giám đốc Ban Điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch)
7. Lê Xuân Khánh (Trưởng phòng Kinh tế Tổng hợp Ban Điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch).
8. Nguyễn Lý Hải (nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật Ban Điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch).
9. Nguyễn Thành Quỳnh (Giám đốc Ban Kỹ thuật công nghệ, Tổng công ty Miền Trung)
10. Lê Thị Anh Hoa (Giám đốc Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa).
Bình luận