Chiều 3/2, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, Trung tướng Tô Ân Xô - Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, bên cạnh hoạt động kiểm định phương tiện giao thông cơ giới, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa cũng có rất nhiều vấn đề tiêu cực đang được công an điều tra làm rõ.
"Công an các tỉnh, thành phố đang bắt đầu đi sâu vào hoạt động kiểm định phương thủy nội địa. Sẽ rất nhiều vấn đề", Trung tướng Tô Ân Xô khẳng định.
Theo Người phát ngôn Bộ Công an, qua xác minh ban đầu, Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm nhận hối lộ của các chủ phương tiện, đối tượng môi giới để bỏ qua các lỗi như không đưa ghe, tàu lên đà để kiểm tra từ bên dưới; thiếu trang thiết bị theo quy định, thiếu thiết bị PCCC, không chạy thử máy… từ đó cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện để phương tiện hoạt động.
Bên cạnh đó, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, lĩnh vực hoán cải, thay đổi mục đích của phương tiện có rất nhiều tiêu cực.
Theo đó, một số nhân viên của phòng kiểm định đăng kiểm lập ra các công ty sân sau hoặc móc nối với công ty có ngành nghề hoạt động thi công, cải tạo xe cơ giới để bỏ qua các lỗi trong quá trình thẩm định hoặc lập hồ sơ giả trong thi công, hoán cải gây ra nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, cháy nổ các phương tiện cơ giới.
"Cơ quan Cảnh sát điều tra các địa phương đang tích cực điều tra để sớm đưa hoạt động đăng kiểm về đúng mục đích ban đầu", ông Tô Ân Xô nói.
Cũng tại buổi họp báo, Trung tướng Tô Ân Xô thông tin, tính đến ngày 3/3, công an 28 tỉnh, thành phố đã khởi tố 42 vụ án, khám xét 62 trung tâm đăng kiểm, 4 chi cục đăng kiểm, khởi tố 379 bị can về 7 tội danh: môi giới hối lộ; đưa hối lộ; nhận hối lộ; giả mạo trong công tác; sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng các công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác; che giấu tội phạm.
"Số bị can chắc chắn sẽ không dừng ở con số gần 400 người như hiện nay vì các tỉnh vẫn đang tiếp tục điều tra", Người phát ngôn Bộ Công an khẳng định.
Bình luận