• Zalo

Bỏ con dấu doanh nghiệp: ‘Tôi báo cáo, Thủ tướng rất ủng hộ’

Kinh tếThứ Hai, 10/11/2014 03:10:00 +07:00Google News

(VTC News) – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Phúc cho biết, Thủ tướng và cộng đồng doanh nghiệp rất ủng hộ việc bỏ con dấu doanh nghiệp.

(VTC News) – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Phúc cho biết, Thủ tướng và cộng đồng doanh nghiệp rất ủng hộ việc bỏ con dấu doanh nghiệp.

Trả lời phỏng vấn báo chí bên lề hành lang Quốc hội sáng 10/11, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, cho biết chủ trương bỏ con dấu doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và cộng đồng doanh nghiệp rất ủng hộ.

“Việc bỏ con dấu cần được triển khai càng sớm càng tốt, ngay sau khi luật có hiệu lực. Việc này sẽ thúc đẩy cải cách mạnh mẽ hơn, góp phần nâng hạng Việt Nam trên trường quốc tế”, ông Phúc nhấn mạnh.

- Hiện nay nhiều nước vẫn sử dụng con dấu trong ký kết hợp đồng, mua bán giao dịch với Việt Nam. Vậy theo ông, nếu bỏ con dấu doanh nghiệp liệu chúng ta sẽ gặp những khó khăn gì?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc  
Quan điểm của Thủ tướng, cộng động doanh nghiệp cũng muốn bỏ con dấu, phù hợp với thông lệ quốc tế. Cũng có ý kiến cho rằng bỏ con dấu phải tính đến điều kiện của Việt Nam. Cho nên trong dự án Luật Đầu tư cũng thể hiện con dấu là dấu doanh nghiệp, có nghĩa là cho doanh nghiệp được tự quyết định hình thức, nội dung con dấu và đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh để thông báo về việc tôi có con dấu như vậy.

Với những trường hợp nào còn sử dụng, trong quá trình giao dịch, nếu đối tác mà không còn dùng con dấu thì không phải lo lắng. Ví dụ doanh nghiệp A và B có ký đồng hợp tác, doanh nghiệp B không còn dùng dấu thì chỉ cần chữ ký là được, không cần con dấu. Tuy nhiên, doanh nghiệp A thì vẫn dùng con dấu thì phải linh hoạt.

Trên thế giới cũng thế, có những doanh nghiệp vẫn dùng con dấu, có những nước vẫn dùng con dấu và họ yêu cầu phải có con dấu. Trong trường hợp đó, doanh nghiệp vẫn phải dùng con dấu của mình. Như vậy, chúng ta phải rất linh hoạt.

Hoặc là pháp luật quy định có những trường hợp quy định bắt buộc phải sử dụng con dấu. Ví dụ như có những trường hợp xảy ra phải sử dụng con dấu để đảm bảo an toàn, bí mật như có người đến doanh nghiệp yêu cầu cung cấp thông tin liên quan đến doanh nghiệp; hay như cơ quan nhà nước yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin về nhân sự hoặc một số thông tin khác.

Có nghĩa, những trường hợp này phải sử dụng con dấu. Nhưng những trường hợp nào phải sử dụng con dấu thì Nhà nước sẽ quy định.

- Vậy theo ông, thời điểm nào chúng ta nên áp dụng việc bỏ con dấu doanh nghiệp?

Khi nào có hiệu lực là áp dụng ngay. Cái này phải cải cách mạnh mẽ. Đấy cũng là một trong những nội dung của cải cách.

Khi chúng tôi làm việc với các tổ chức quốc tế như IFC, họ cho rằng nếu chúng ta cải cách được các thủ tục con dấu thì việc nâng hạng của Việt Nam trong đầu tư sẽ nâng rất cao, bởi thủ tục hiện nay rất phức tạp.

Có ý kiến lo ngại khi không dùng con dấu có thể sẽ dẫn đến nhiều trường hợp lạm dụng, giả mạo chữ ký, con dấu?

Trong lĩnh vực nào cũng có người lạm dụng quy định để giả mạo chứ không chỉ con dấu. Vì thế mình phải quản lý bằng cách khác.

Bỏ con dấu sẽ 'cởi trói' cho doanh nghiệp (Ảnh minh họa)

Trước hết, doanh nghiệp phải đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh cái mẫu con dấu và phải công bố cái mẫu con dấu ấy trên phương tiện thông tin đại chúng. Cơ quan công an có thể căn cứ vào mẫu đó để kiểm soát việc giả hay không giả.

-Vậy hiện nay các bộ ngành liên quan đã sẵn sàng cho việc bỏ con dấu doanh nghiệp hay chưa?

Bộ Kế hoạch Đầu tư thì đã sẵn sàng. Tôi trao đổi với Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng cũng rất ủng hộ cải cách.

Bộ Công an thì trong dự án Luật công an vẫn có quy định là Bộ công an quản lý con dấu nhưng vẫn ghi một câu “theo quy định của pháp luật”. Pháp luật ở đây có thể hiểu là theo quy định của Chính phủ. Con dấu ở đây có thể hiểu là của cơ quan quản lý, doanh nghiệp.

Có lần tôi báo cáo với Thủ tướng: nếu ta cần phân loại đơn vị quản lý con dấu thì Bộ Công an quản lý con dấu của cơ quan, tổ chức vì nó yêu cầu về an. Nhưng con dấu của doanh nghiệp thì không nhất thiết Bộ Công an phải quản lý mà có nhiều biện pháp khác.

Tôi nói là có nhiều biện pháp nghiệp vụ để chống lại gian lận và làm giả con dấu. mà ta đã có biện pháp ấy thì cần gì phải quản lý.

Khi tôi báo cáo, Thủ tướng cũng rất ủng hộ ý kiến này.

Lan Uyên (ghi)
Bình luận
vtcnews.vn