Bộ Chính trị: CNTT sẽ là ngành chủ lực của Việt Nam

Kinh tếThứ Sáu, 23/08/2013 01:56:00 +07:00

(VTC News) - Đây là một trong những mục tiêu hàng đầu mà dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị đặt ra cho CNTT Việt Nam đến 2020.


(VTC News) - Đây là một trong những mục tiêu hàng đầu mà dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị đặt ra cho CNTT Việt Nam đến 2020.

Chỉ thị 58 : Đã đến lúc cần thay thế

Được Bộ Chính trị ban hành vào năm 2010, Chỉ thị 58 đã đóng góp vai trò to lớn cho sự phát triển của ngành CNTT-TT tại Việt Nam. Sau hơn 10 năm thực hiện, CNTT đã trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật chủ lực, đóng góp khoảng 7,5% GDP của đất nước. Tuy nhiên sau quãng thời gian quá dài này, Chỉ thị 58 đã bộc lộ nhiều hạn chế và không còn phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia đã đến lúc cần có một Nghị quyết/Chỉ thị mới giúp CNTT đóng vai trò to lớn hơn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia.

cntt
Phát triển và ứng dụng CNTT được coi là nhiệm vụ ưu tiên cho tới 2020 
Trên cơ sở đó, Ban Bí thư đã cơ bản nhất trí với việc đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới dành cho phát triển CNTT từ nay cho tới năm 2020. Qua đó khiến CNTT phát triển tương xứng với tiềm năng và phát huy hiệu quả vai trò cũng như lợi thế của mình đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Dự thảo của Nghị quyết mới đã xác định CNTT là một trong những nền tảng quan trọng của phương thức phát triển mới. Đây cũng được xem là con đường ngắn nhất để Việt Nam có thể đi tắt đón đầu thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và để nước ta có thể rút ngắn thời gian vượt bẫy thu nhập trung bình, tiến cùng thế giới.

CNTT cũng được xem là một trục kết nối quan trọng và là yếu tố có ảnh hưởng quyết định góp phần thành công 3 đột phá chiến lược. Gồm hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng hạ tầng đồng bộ gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thúc đẩy tiến bộ xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh.

Với nền tảng nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, năng động và được đào tạo cơ bản CNTT có nhiều lợi thế phát triển đặc biệt tại Việt Nam. Phát triển CNTT là tạo nền tảng cho nền kinh tế tri thức, đảm bảo khả năng tự chủ, tránh phụ thuộc về công nghệ, đảm bảo khả năng làm chủ về an toàn thông tin, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Qua đó đẩy mạnh công nghiệp hóa đất nước, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.

Phát triển và ứng dụng CNTT được coi là nhiệm vụ ưu tiên của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội, là một nội dung quan trọng của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch kinh tế - xã hội. Phải tận dụng mọi nguồn lực và lợi thế trong nước, chủ động hợp tác quốc tế và tăng cường thu hút đầu tư, công nghệ tiên tiến, tri thức từ bên ngoài để phát triển và ứng dụng CNTT hiệu quả.

Ngoài ra, dự thảo còn chỉ rõ ứng dụng CNTT là điều kiện quan trọng trong quá trình cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước điện tử, góp phần nâng cấp chỉ số phát triển con người và chất lượng sống. Việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNTT rộng rãi cần kết hợp chặt chẽ với việc lựa chọn đúng trọng tâm, trọng điểm trong từng giai đoạn.

Sánh ngang với các nước trong khu vực

Theo dự thảo Nghị quyết, tới năm 2020, nền CNTT của Việt Nam sẽ đạt trình độ phát triển tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực. Nâng cao năng lực CNTT quốc gia, phát triển thành ngành kinh tế - kỹ thuật, dịch vụ chủ lực đồng thời đóng góp lớn cho GDP.

CNTT trở thành giải pháp quan trọng góp phần thực hiện thành công 3 đột phá chiến lược: Thực hiện thành công chương trình cải cách hành chính, gắn kết với phát triển Chính phủ điện tử; Hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, xây dựng một số trục, mạng chính hạ tầng thông minh; Thực hiện số hóa, kết nối, ứng dụng toàn diện CNTT trong giáo dục.
cntt
Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao 
Nguồn nhân lực CNTT sẽ được phát triển đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng được nhu cầu trong nước cả về số lượng lẫn chất lượng. Tiến tới cung cấp nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao cho khu vực và thế giới.


Xây dựng năng lực nghiên cứu và khả năng tự chủ về CNTT. Đảm bảo an ninh thông tin quốc gia; giữ vững chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, sẵn sàng, chủ động đối phó với chiến tranh thông tin, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền , thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

CNTT sẽ được ứng dụng rộng rãi, hiệu quả trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đến năm 2016, hoàn thành tin học hóa các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Nâng cao chất lượng sống của nhân dân qua việc triển khai y tế thông minh, thẻ công dân điện tử.

Phát triển công nghiệp CNTT trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật, dịch vụ chủ lực, có khả năng cạnh tranh cao và sức phát triển bền vững, là ngành đi đầu và có vai trò dẫn dắt, tạo nền tảng cho quá trình chuyển sang nền kinh tế tri thức. Phát triển mạnh doanh nghiệp CNTT vừa và nhỏ, đồng thời hình thành các tập đoàn CNTT cấp toàn cầu, xây dựng năng lực nghiên cứu - phát triển mạnh.

Cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia sẽ được phát triển trên cơ sở chuẩn hóa, đồng bộ, liên thông, đảm bảo khả năng tiếp cận và sử dụng cho tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và mọi người dân. Mở rộng kết nối với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Hà Thanh

Bình luận
vtcnews.vn