Bộ An ninh nội địa Mỹ: 'Vá' tổn thương bên trong nước Mỹ sau thảm họa 11/9

Tư liệuThứ Sáu, 11/09/2020 07:10:00 +07:00
(VTC News) -

Từng là "Cảnh sát toàn cầu" bảo hộ an ninh cho các nước trên thế giới, vụ tấn công 11/9 buộc Mỹ phải thành lập cơ quan mới để 'vá' lỗ hổng an ninh của chính mình.

11/9/2001, nước Mỹ bị khủng bố. Hai biểu tượng cho sức mạnh kinh tế và quân sự của đất nước hùng cường nhất thế giới lúc bấy giờ là Tòa tháp thương mại WTC và Lầu Năm Góc bị tấn công.

Bộ An ninh nội địa Mỹ: 'Vá' tổn thương bên trong nước Mỹ sau thảm họa 11/9 - 1

Một góc Lầu Năm Góc - biểu tượng sức mạnh an ninh nước Mỹ - bị tấn công và tổn thương trong ngày 11/9/2001.

Nếu sự sụp đổ của WTC cho thấy sự đáng sợ của chủ nghĩa khủng bố đang bao trùm lên thế giới thì việc Lầu Năm Góc bị tấn công đến mức khuyết góc lại là một sự tổn thương sâu sắc, một nỗi xấu hổ lớn của nước Mỹ khi biểu tượng sức mạnh quân sự đứng đầu thế giới bị lung lay.

Người ta nhìn thấy nước Mỹ không còn là nơi bất khả xâm phạm nữa, đồng thời đó là lỗ hổng đáng lo ngại từ bên trong đất nước. Những bộ máy an ninh khổng lồ như Lầu Năm Góc, Cơ quan tình báo quốc gia, Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ đều tê liệt trước sự kiện 11/9.

Việc vá lại lỗ hổng này, lấy lại niềm kiêu hãnh của đất nước cờ hoa thúc đẩy chính quyền Mỹ phải tìm kiếm một giải pháp an ninh mới. Và đó là lúc Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS) ra đời.

Bộ An ninh nội địa Mỹ: 'Vá' tổn thương bên trong nước Mỹ sau thảm họa 11/9 - 2

Chuyến bay 11 của Mỹ đâm vào Tháp Bắc của Trung tâm thương mại Thế giới, ngày11/9/2001. (Ảnh: Reuters)

Sự ra đời

Bộ An ninh nội địa Mỹ được thành lập nhằm đáp trả sự kiện 11/9, với trách nhiệm chính là bảo vệ Mỹ cùng các nước được Mỹ bảo hộ. Trong khi Bộ Quốc phòng hoạt động quân sự thì Bộ An ninh nội địa bảo vệ nước Mỹ từ bên trong và ngoài biên giới. Bộ có chức năng chuẩn bị, ngăn cản và phản ứng trước những tình trạng khẩn cấp trong nước, đặc biệt là khủng bố.

Mười một ngày sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, Thống đốc bang Pennsylvania Tom Ridge được bổ nhiệm làm Giám đốc đầu tiên của Văn phòng an ninh Nội địa tại Nhà Trắng. Với việc Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật An ninh nội địa vào tháng 11/2002, Bộ An ninh nội địa chính thức trở thành một bộ độc lập cấp Nội các, bắt đầu hoạt động từ ngày 1/3/2003.

DHS là hợp nhất của 22 cơ quan Chính phủ, bao gồm cơ quan Hải quan, cơ quan Nhập cư và Nhập tịch, lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ và cơ quan Quản lý khẩn cấp Liên bang.

Ngày 12/3/2002, các hệ thống cảnh báo An ninh nội địa (một bảng chia mức độ có ký hiệu bằng màu dùng để cảnh báo mức độ đe dọa khủng bố) được tạo ra theo chỉ thị của Cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush để "cung cấp phương tiện hữu hiệu và dễ hiểu trong việc phổ biến thông tin có liên quan đến mối đe doạ từ hoạt động khủng bố đến các thẩm quyền liên bang, tiểu bang, địa phương và nhân dân Mỹ”.

Ngày 20/4/2011, Hệ thống Tư vấn khủng bố Quốc gia (NTAS) được lập ra thay thế cho Hệ thống Cố vấn an ninh Nội địa (HSAS).

Bộ An ninh nội địa Mỹ: 'Vá' tổn thương bên trong nước Mỹ sau thảm họa 11/9 - 3

Lầu Năm Góc của Mỹ bốc cháy sau khi bị một máy bay bị cướp đâm vào, ngày 11/9/2001. (Ảnh: Reuters)

Hành động

Kể từ khi thành lập, DHS đã và đang liên tục làm việc để giữ gìn an ninh cũng như xây dựng nước Mỹ, điển hình như việc kết thúc dịch vụ nhập cư và nhập tịch trái phép, đảm bảo an toàn nội địa. Ngoài ra, bộ cũng đạt được nhiều thành tựu khác trong các lĩnh vực giáo dục, quốc phòng, phục hồi sau thiên tai,...

Năm 2006, Trung tâm Quốc phòng và An ninh Nội địa (CHDS) phát triển một trang web gọi là Sáng kiến ​​đối tác Đại học và Cơ quan thuộc trung tâm Quốc phòng và An ninh Hải quân (UAPI), cho phép truy cập trực tiếp nhiều hơn vào các tài liệu giáo dục và khuyến khích tham gia vào các diễn đàn thảo luận của học viên. Năm 2011, số lượng đối tác trên UAPI lên đến 1.000, góp phần quan trọng cho ngành giáo dục Mỹ.

Tháng 6/2010, Janet Napolitano, Bộ trưởng DHS, tuyên bố 100% hành khách đi lại trong các vùng lãnh thổ của Mỹ đều được đối chiếu với danh sách theo dõi khủng bố thông qua chương trình Chuyến bay an toàn của Cục An ninh Vận tải (TSA).

Tháng 2/2012, 6 năm sau khi siêu bão Katrina đổ bộ vào Mỹ, gây ra thiệt hại lớn về người và của, DHS thông báo rằng gia đình cuối cùng phải sống trong một chiếc xe kéo ở New Orleans, thành phố từng bị cơn bão nhấn chìm, đã được giúp đỡ để chuyển đến một ngôi nhà thực sự.

Hàng năm, các thanh tra viên thuộc Bộ An ninh nội địa Mỹ, qua Sáng kiến ​​An ninh container, đảm bảo hơn 80% hàng hóa nhập khẩu qua đường biển được kiểm tra trước khi nhập cảnh vào Mỹ.

Bộ máy khổng lồ mới

Hiện nay, DHS có hơn 240.000 nhân viên, từ nhà phân tích an ninh mạng đến thanh tra cơ sở hóa chất, tại các vị trí trong lĩnh vực hàng không, an ninh biên giới và ứng phó khẩn cấp.

Nhiệm vụ chung của tất cả các nhân viên là nỗ lực ngăn chặn các cuộc tấn công trong tương lai chống lại Mỹ và các nước đồng minh, ứng phó với các thảm họa tự nhiên và nhân tạo. Cụ thể, Bộ có 6 công việc chính: Chống khủng bố và các mối đe dọa an ninh nội địa; bảo vệ biên giới Mỹ; bảo vệ cơ sở hạ tầng và an ninh mạng; giữ gìn và duy trì sự thịnh vượng, an ninh kinh tế của đất nước; tăng cường chuẩn bị và khả năng phục hồi sau thiên tai, thảm họa, tấn công vật lý và trên mạng; thúc đẩy lực lượng lao động DHS và củng cố các bộ phận của Bộ.

Bộ An ninh nội địa Mỹ cũng tương đương với Bộ Nội vụ ở các nước khác. Năm 2003, ngân sách đầu tiên của Chính phủ Liên bang sau ngày 11/9 dành cho DHS để thể hiện nỗ lực đạt được một đất nước an toàn hơn là 37,7 tỷ USD, gần gấp 3 lần dự kiến. Con số khổng lồ này phản ánh ưu tiên của Tổng thống Mỹ đối với an ninh tại quê hương. Vào năm 2011, Bộ An ninh nội địa được cấp ngân sách lên tới 98.8 tỷ USD và đã chi tiêu tới 66.4 tỷ USD. Năm 2020, số ngân sách được cấp là 51.7 tỷ USD.

Năm 2021 tới, dự kiến ngân sách cấp cho DHS là 49,8 tỷ USD.

Bộ An ninh nội địa Mỹ: 'Vá' tổn thương bên trong nước Mỹ sau thảm họa 11/9 - 4

Ảnh chụp từ trên không nhìn xuống Trung tâm thương mại Thế giới, ngày 18/9/2001. (Ảnh: Reuters)

Những con số về 11/9

Tổng cộng 2.977 người đã thiệt mạng, 2.680 người bị thương ở thành phố New York, Washington, DC và vùng ngoại ô Shanksville, Pennsylvania.

Trong số những người thiệt mạng trong các cuộc tấn công ban đầu và các vụ sập tháp sau đó, có 343 lính cứu hỏa, 23 cảnh sát Thành phố New York và 37 sĩ quan tại Cảng vụ.

Các nạn nhân có độ tuổi từ 2 - 85. Khoảng 75-80% nạn nhân là nam giới.

Tính đến tháng 10/2019, chỉ có 1.645 (60%) trong số 2.753 hài cốt nạn nhân được nhận dạng.

Hơn 10.000 mẩu xương và phần mô chưa thể xác nhận là phù hợp với danh sách nạn nhân.

3.000 trẻ em mất mẹ phải lớn lên trong tình trạng tâm lý bất ổn.

Tổng thiệt hại hơn 100 tỷ USD.

Trần Trang
Bình luận
vtcnews.vn