V-League 2019 hạ màn với chức vô địch thuộc về Hà Nội FC. CLB TP.HCM giành huy chương bạc, trong khi Sanna Khánh Hoà BVN nhận vé xuống hạng trực tiếp. Đây là mùa giải mà kịch tính tập trung ở cuộc đua trụ hạng với sự tham gia của... 7 đội bóng trong những vòng cuối.
Với cuộc đua vô địch, Hà Nội FC bứt tốc ngoạn mục khiến nỗ lực bám đuổi của các đội phía sau trở thành "công cốc". Theo BLV Quang Huy, V-League 2019 cho thấy sự chuyển mình, tiến bộ, song còn rất nhiều bất cập và về bản chất, giải đấu vẫn chưa đạt đến sự chuyên nghiệp, cạnh tranh như khán giả kỳ vọng.
- Sự thống trị tuyệt đối của Hà Nội FC có khiến V-League nhàm chán đi, khi sức cạnh tranh cho ngôi đầu gần như không đáng kể ở mùa trước và mùa này?
Điều này ảnh hưởng đến sự hấp dẫn của giải đấu, bởi thường thì hai cuộc đua được chú ý nhất ở giải VĐQG là đua vô địch và đua trụ hạng. Đơn cử như Bundesliga rất hấp dẫn, nhưng vì Bayern Munich thống trị nên tạo ra cảm giác nhàm chán, gần tương tự giai đoạn Manchester United của Sir Alex Ferguson thống trị Ngoại hạng Anh.
Tuy nhiên, vấn đề là đội thống lĩnh chứng tỏ được vai trò ở ĐTQG và các giải quốc tế, đấy lại là điều quan trọng. Nếu đội vô địch chỉ chăm chăm đăng quang hết năm này qua năm khác, cứ ra ngoài "khôn nhà dại chợ" thì người ta ít thiện cảm.
Hà Nội FC được đầu tư nhiều, đá AFC Cup ấn tượng. Năm sau không được đá cúp châu Á nhưng lại chơi ở giải vô địch CLB Đông Nam Á, đấy cũng là cái hay. Sự đua tranh nhóm đầu không hấp dẫn, nhưng có đội bóng mạnh trở thành "xương sống" cho ĐTQG, đồng thời đại diện cho Việt Nam đá tốt ở sân chơi quốc tế là đáp ứng được nhu cầu.
Tất nhiên, việc gì cũng có hai mặt, có đua tranh sẽ tốt hơn. Hà Nội phân phối sức khéo léo nên sớm về đích. Năm nay không chỉ vô địch mà á quân cũng biết trước, mỗi huy chương đồng đến vòng cuối mới có chủ. Nhìn vậy để thấy: bóng đá chuyên nghiệp cần có sự đầu tư. Hà Nội FC có nguồn lực cơ bản, căn cơ nhất, biết quản quân, còn nói thật nhiều đội có tham vọng, có biết cách quản quân nhưng có nguồn lực đâu, còn lực của bầu Hiển vẫn rất vững.
- Nguồn lực và mức độ đầu tư đang chi phối gần như hoàn toàn sức mạnh của các CLB, nên một số CLB không được đầu tư kỹ càng chỉ sống "lay lắt" và đá cho hết mùa như hiện nay?
Trước hết, mình vẫn phải đòi hỏi nguồn lực tốt. Nhiều người nhiệt huyết, muốn đầu tư, nhưng phải nhìn nhận thực lực kinh tế nhiều đội không mạnh, thường xuyên phải "ăn đong", "giật gấu bá vai". Vấn đề tài trợ cho thể thao Việt Nam về cơ bản vẫn là "tình thương mến thương". Đầu tư bóng đá cần có mô hình, thời gian, nên các nhà đầu tư chủ yếu tham gia vì có thiện cảm với bóng đá thôi, còn hiệu quả hữu hình trước mắt chúng ta không thể thấy ngay được.
Tôi cho rằng nguồn lực CLB có mức độ ảnh hưởng đến sức mạnh, đơn cử chất lượng ngoại binh. Muốn cầu thủ ngoại tốt thì phải nhiều tiền. Ngoại binh giỏi giờ họ sang các nước khác đá chứ đâu có sang V-League
Tại sao CLB TP.HCM năm nay thành công? Vì họ có nguồn lực tốt, họ mới làm bài bản thôi nhưng có nguồn lực tốt nên tổ chức bóng đá bài bản. Hai đội vô địch, á quân nhìn rõ nhất.
Ngược lại, nhìn hai đội cuối bảng cũng có thể thấy nguồn lực ảnh hưởng sức mạnh thế nào. Khánh Hoà là doanh nghiệp nhà nước, Sanest muốn xây dựng, đầu tư theo kiểu doanh nghiệp như là gia đình. Cầu thủ đá tốt, gắn bó cống hiến nhiều năm với CLB thì vợ con, người thân được đảm bảo công việc ở Sanest. Song, cầu thủ muốn đổi đời thì CLB lại không cho phép.
Cầu thủ gắn bó năm này qua năm khác nên bị "chai" đi, sau cùng là xuống hạng. Điều này rất đáng tiếc. Nguồn lực đầu tư nói cho cùng là tiền. Nguồn lực không giúp cầu thủ đảm bảo cuộc sống thì ảnh hưởng động lực.
Còn với Thanh Hoá thì rõ rồi. Khi FLC rút, bầu Đệ nhảy vào, đội bóng cũng đã hao hụt từ đầu rồi, lao đao, mất lực từ đầu.
- Tuy nhiên, BTC V-League không thể cứ ngồi yên đợi các nhà đầu tư, mà tự thân công tác tổ chức V-League phải trong sạch, chuyên nghiệp, lành mạnh thì các nhà đầu tư mới tìm đến mình.
Chính xác. 2 năm nay, hào khí ĐTQG đang lên, điều đó rất tốt, nhưng V-League hầu như không có thêm điều gì mới mẻ. Đấy là cảm giác chung, dù số trận đá "nguội", diễn hài kịch đã ít hơn.
Chuyện sống chết với những nhà điều hành V-League là phải bớt đi những chuyện "thật giả lẫn lộn", "một mất mười ngờ".
Lâu lắm rồi, V-League mới có vòng đấu không có kịch, các đội đá hết mình như vòng 26 vừa qua. Tất nhiên các đội đủ điểm có quyền tung cầu thủ dự bị hay cầu thủ trẻ ra, song về cơ bản là không có hài kịch trên sân. Đó là bước tiến. Nhưng về mặt hình ảnh, vẫn có cảm giác xem V-League, "bóng chết" nhiều quá, chất lượng ngoại binh không cao. Nhiều người xem V-League chỉ để theo dõi tuyển thủ QG đá thế nào, còn lại vẫn dồn tâm dồn sức xem ĐTQG.
Tôi cho rằng 2 năm qua, tuyển Việt Nam tốt, bóng đá Việt Nam khởi sắc lên, nhưng chuyện sống chết với những nhà điều hành V-League là phải bớt đi những chuyện "thật giả lẫn lộn", "một mất mười ngờ". Các nhà đầu tư thấy V-League như vậy, không tránh khỏi cảm giác "gờn gợn" vì chuyện đấy, nên có đầu tư cũng chỉ là "tình thương mến thương" thôi.
- Sau thất bại của U22 Việt Nam ở SEA Games 2017, anh từng cho rằng V-League thiếu tính thực chiến. Mùa giải này thì sao?
Mỗi giải đấu, kể cả kém, mà đá máu lửa, thực chiến, quyết liệt thì sẽ được đầu tư nhiều hơn. Các nhà điều hành phải làm tốt công tác kỷ luật, tự thân CLB, cầu thủ, những người làm bóng đá phải yêu những thứ mình đang có, tôn trọng khán giả, làm sao để số trận "thật giả lẫn lộn" ít đi, chứ như hiện nay, tôi ghi nhận vòng vừa rồi không có "kịch". Song, làm gì có giải nào mà có đội như Thanh Hoá FC, 11 trận thua 9 hoà 2 mà vẫn được đi play-off.
Năm nay kịch ít đi, nhưng tư tưởng an phận, dễ dãi với bản thân, nhìn nhau mà đá, không vô địch rồi là cứ đá "tà tà", "chơi chơi", cầu thủ như thế là không có sự chuyên nghiệp. Kể cả không bán độ, nhà tài trợ cũng "ớn" lắm.
Bóng đá thiếu cạnh tranh, thiếu "cay cú" với mỗi trận đấu, cầu thủ không quyết liệt với bản thân thì nên gọi là tập thể dục, chứ đấy không phải bóng đá. Làm gì có giải nào mà thắng 2 trận, vọt từ đáy bảng lên nhóm đầu. Tôi cho rằng V-League có bước tiến, nhưng phải cố hơn nữa. Hy vọng hào khí đội tuyển truyền được cho V-League mùa sau. Nếu U22 Việt Nam vô địch SEA Games, điều đó sẽ rất tốt. Vô địch rồi, nhà tài trợ đông, mình sẽ có thêm hào khí.
Có thể ghi nhận V-League mùa vừa qua, số cầu thủ trẻ được ra sân nhiều hơn, nhưng cần phải biết yêu quý những cái mình đang có hơn. Mỗi trận đấu, cầu thủ phải để lại một cái gì đấy, chứ đừng đá "tà tà" như vậy nữa.
"Bóng đá hiện tại gần như chỉ là công cụ quảng bá cho doanh nghiệp, chứ bản thân bóng đá chưa thể nuôi được bóng đá. Chừng nào thực trạng ấy còn tồn tại, V-League không thể có đột phá", BLV Quang Huy nhận định về thực trạng nhiều CLB sống "ký sinh" vào "bầu sữa" của các ông chủ, chưa thể ăn nên làm ra hay thu lời từ bóng đá.
Bình luận