Có vẻ như những siêu sao được kỳ vọng như Ronaldo, Robben… chưa kịp tỏa sáng trên sân cỏ thì ở Việt Nam, một BLV truyền hình đã kịp nổi tiếng và tỏa sáng.
Ngay sau những loạt trận đầu tiên, BLV nhà đài- xin giữ danh tiếng cho anh này- đã bị "ném đá" tơi bời. Thậm chí có người xem cất công hỏi, tìm số điện thoại của BLV để nhắn tin mắng cho một trận vì "tội" ăn nói… linh tinh trên sóng quốc gia. Một số khác thì chế lời bình của anh này thành trang biếm họa để "phát tán" trên mạng.
Nhiều khán giả tiết lộ có thể không nhớ pha bóng nào ở EURO nhưng lại nhớ những câu bình rất hài hước kiểu "sân vận động hôm nay không còn một chỗ…kín"- ý hẳn là "không còn một chỗ trống?", "cha anh là một VĐV bóng rổ, mẹ anh là một VĐV bóng chuyền nên họ đặt cho anh một cái tên dễ nhớ"… đại khái thế.
Ảnh minh họa. |
Hóa ra nghề BLV bóng đá không chỉ giúp người xem có thêm thông tin, theo dõi trận đấu tốt hơn mà giờ đây thêm một chức năng nữa: tạo ra không khí hài hước (!?) để chiến đấu lại những con buồn ngủ lúc nửa đêm về sáng.
Người ta nói "làm dâu trăm họ" là nghề vất vả, dễ bị chê trách bởi không thể làm hài long tất cả. Nghề BLV truyền hình còn "làm dâu triệu họ", sức ép lớn là phải. Hơn thế nữa, người xem bây giờ đã đóng vai những bà mẹ chồng cực kỳ khó tính, hơn nữa thế giới công nghệ thông tin trang bị cho "các mẹ chồng" này đầy đủ thông tin. Ở nhiều góc độ, sự ảm hiểu về kiến thức chiên môn của người xem, bạn đọc còn cao hơn nhiều so với chính các BLV, nhà báo chuyên gia.
Bây giờ không còn cái kiểu bắt NHM ăn gì thì phải ăn. Có nhiều lựa chọn rồi.
Trách thì trách các trận đấu chưa hay, chưa hấp dẫn để rồi người xem- trong việc chống buồn ngủ- tìm cách "bắt lỗi" BLV.
Thực tế nữa, nó còn là câu chuyện về sự khắt khe của cuộc sống.
Đành rằng thời buổi này, truyền hình là một thế lực mà nhiều người cho rằng "thống trị lời ăn tiếng nói, nghe nhìn của dân chúng", thì đổi lại, cái nhìn của người xem về đội ngũ làm truyền hình cũng khắt khe hơn.
Đòi hỏi sự chuẩn mực là chính đáng, nhưng khó mà chuẩn mực khi nhiều hệ thống khác chưa thật chuẩn mực.
Trong xã hội, cái gọi là văn hóa dò xét đang hình thành, ngạc nhiên là dò xét những vấn đề bé xíu để đánh giá. Người ra có thể "cận cảnh" vào chỗ nhạy cảm của một cô người mầu lộ hàng trong khi quên đi, hoặc ít bàn tán hơn về những vụ thất thoát của nhà nước hang chục tỷ đồng. Người ta tập trung lên án cô hoa hậu bán thứ mà cô sở hữu (sắc đẹp chẳng hạn) trong khi lại không nhận ra có rất nhiều những thứ có giá trị to lớn hơn vẫn đang bị ngấm ngầm, bán mua, đổi chác.
Tất nhiên, mùa EURO cũng mới bắt đầu, các BLV cũng nên lắng nghe để sửa mình, hòng làm hài long các bà mẹ chồng được chừng nào thì tốt thêm chừng ấy.
Và có một điều chắc chắn, họ- những BLV truyền hình không cố tình tạo scandal để nổi tiếng ngay cả khi họ có thể làm điều này, như giới showbiz Việt hiện nay.
Song An - Thethao24h
Bình luận