• Zalo

Blogger nổi tiếng Mr Dâu muốn làm "táo Tây"

PhimThứ Ba, 16/02/2010 08:44:00 +07:00Google News

“Tôi muốn được mời đóng “táo Tây” trong Gala cười 2011. Nếu chưa kịp thuyết phục đạo diễn trong 2011, đợi năm 2012 cũng được" - Joe Ruelle (Mr Dâu) tiết lộ.

 “Tôi muốn được mời đóng “táo Tây” trong Gala cười 2011. Nếu chưa kịp thuyết phục đạo diễn trong 2011, đợi năm 2012 cũng được...”, pha chút hài hước “Ông Tây nói tiếng Việt hay kinh điển” Joe Ruelle (Mr Dâu) tiết lộ trong câu chuyện đầu xuân.


Joe Ruelle từng quen thuộc với khán giả VTV6 trong vai trò MC chương trình Kết nối trẻ. (Ảnh: Aaron Joel Santos) 

Thích nhìn gia đình người Việt quây quần bên nhau… từ xa


Chào người “hơi hơi” nổi tiếng - Mr Dâu Tây! Số  năm sống ở Việt Nam đếm hơn 1 bàn tay, anh hẳn  đã thấy hương vị ngày Tết của Việt Nam. Nhưng cảm giác ấy đến từng năm có  đổi khác ở trong anh?


Tôi đã ăn Tết ở Việt Nam được 5 lần. Nếu dành cho mỗi lần một tính từ tôi sẽ chọn: choáng, vui, buồn, hâm, nhẹ người. Tết đầu tiên tôi thấy choáng vì không thể tin rầng một con người có thể ăn lột da của một con lợn, chưa kể đến các món ăn “lạ” khác. Tết thứ 2 tôi thấy vui vì biết ăn hết và được nhiều gia đình mời làm khách mời đặc biệt. Tết thứ 3 tôi tự dưng cảm thấy buồn vì không muốn là khách mời đặc biệt nữa, tôi chỉ muốn là khách mời bình thường, nhưng đã là người Tây nên mọi người vẫn nhìn tôi kiểu “khác”. Tết thứ 4 tôi bị hâm vì mới chia tay một em rất xinh gái. Tết thứ 5 (năm ngoái) tôi thấy nhẹ người vì biết hạn chế, chỉ đến nhà vài gia đình thân quen, một ngày Tết rất giản dị…và trời đã đẹp nữa. 


Tết gia đình người Việt thường quây quần bên nhau, lúc  đó anh thấy sao?


Tôi thích nhìn các gia đình người Việt quây quần bên nhau… từ xa. Dù ở Việt Nam 7 năm rồi nhưng tôi vẫn chưa biết cách giảm nhẹ cảm giác ngại ngùng khi đến nhà các gia đình Việt ăn Tết. Tôi lo rằng tôi sẽ vô tình làm hỏng một việc quan trọng nào đó, ảnh hưởng đến cả năm tới! 


Rất nhiều người bạn của tôi bảo đừng lo, tự nhiên đi, tình cảm vẫn luôn là chính. Đầu óc thấy thuyết phục nhưng cảm giác ngại ngùng đó không xuất phát từ đầu óc đâu nên vấn đề vẫn còn! Có khi phải 10 năm nữa lúc trình độ tiếng Việt của tôi thực sự lên đỉnh, sự hiểu biết về văn hóa lên theo, là tôi không còn cảm thấy ngại ngùng nữa.


Hình ảnh của Joe trong chuyến đi sang Malaixia trước Tết 2010 

Thử  làm một phép so sánh nhỏ về ngày lễ tết của Việt Nam và Canada đi?


Tôi sẽ so sánh về  cách chúc. Người Việt hay chúc cả gia đình năm mới an khang thịnh vượng, chúc sức khỏe và chúc thàh đạt.. Còn người Canada hay chúc từng người một những điều rất cụ thể: chục chị nhanh chóng thực hiện kế hoạch giẩm cân, chúc anh đi Hawaii về an toàn, v.v. Có thể nói lời chúc Viêt Nam là món ăn chung còn lời chúc Canada là món ăn riêng. Lời chúc (hay còn gọi là “toast”) Canada rất phong phú (không ai dám bắt chước ai) nhưng đồng thời hơi “cá nhân”. Còn lời chúc Việt Nam rất “bao gồm”, tính cộng đồng rất cao, nhưng có vài câu quen thuộc lặp đi lặp lại. 
 

Với tôi, Việt Nam là nơi ở lý tưởng


Joe từng nói anh rất thích cảm giác ngồi một mình ở các quán cóc vỉa hè xem cuộc sống - cuộc sống thật sự của người Việt Nam - chạy qua trước mắt như một đoạn phim. Đó có phải là lý do để anh “neo” cuộc sống lâu dài lại Việt Nam?  


Tôi thích ở một mình. Tôi thích ăn cơm trưa một mình, uống café một mình. Tôi cũng thích những người khác cũng thích ăn trưa và uống café một mình  Nhưng có một điều mâu thuẫn là tôi thích luôn có người xung quanh. Có lẽ với một người như tôi, Việt Nam là nơi lý tưởng: ở đâu cũng có người xung quanh, có câu truyện để “nghe trộm”, có cảnh riêng tư để nhìn trộm, một mình nhưng không bao giờ cô đơn.


Hà Nội vẫn luôn “như  phim” trong anh chứ?


Hà Nội trước đây là phim hoạt hình - nhìn “hay” nhưng nhân vật chưa thực sự phát triển. Con bây giờ thành phim nghệ thuật rồi, hình rõ nét, nhân vật rất phát triển, thêm chút nỗi buồn nhưng là nỗi buồn đẹp.  


Nhiều người không còn nhớ được tên thật của anh. Nhưng họ  lại không quên được anh với mỹ  danh “Ông Tây nói tiếng Việt hay kinh điển”, và hình như  ông Tây này “bớt” nổi, bớt “hay” vì không có blog để “quảng bá” nữa thì phải?


Quả thật là như thế! Đi đâu cũng có người chỉ vào tôi rồi nói “Kia kia, ông Tây, ông gì…(không nhớ)… làm chương trình gì …(không nhớ), viết bài gì… (không nhớ)…


Khổ thân em ruột của tôi, nó cũng ở Hà Nội và trông rất giống tôi, đi đâu cũng bị gọi là “ông Tây… đó”.


Chuyện blog cũ của tôi được nhiều người biết đến là vụ ăn may. Hồi đấy, Việt Nam đã cần một diễn viên đóng vai “Tây Việt Hoá” (vở kịch là sự phát triển và hội nhập) một người dí dỏm, hài hước, không phải doanh nhân, không phải nhà ngoại giao. Tôi như một khách du lịch tình cờ đi bộ qua nhà hát gần giờ biểu diễn - giám đốc chạy ra, cầm tay tôi bảo “bạn Tây ơi, nhờ cái!” Tôi đã thực hiện vai diễn, khán giả đã xem, rồi nhà hát blog Việt Nam lại đóng cửa im ỉm. 
 
"Tôi một mình nhưng không bao giờ cô đơn..." 

Gần đây tôi suy nghĩ: có khi như thế là đủ. Bạn bè Canada ít ai có cuộc đời thú vị như tôi. Tôi sẽ chân thành cảm ơn người Việt đã quan tâm đến sự đóng góp nhỏ của tôi rồi vác tự truyện về Canada kể cho các cháu nghe. 


- “Cháu biết không, chú đã từng là  blogger nổi tiếng ở Việt Nam đấy!”


- “Chú ơi!...


- “Đóng cả phim nữa  đấy!


- “Chú ơi, chú kể  chuyện đó nhiều lắm rồi chú ạ!”


- “…thế à?”


- “Vâng ạ, rất rất nhiều lần chú ạ!”


- “Thế à…cháu ơi, vào đây xem ảnh đi!”


Nhưng tôi nghĩ lại. Tôi vẫn còn có chút gì đó để đóng góp, nhưng tôi sẽ phải xây dựng lại hình ảnh mới. Từ một hình ảnh “2D” xây trên nền ảo tôi sẽ xây lại một hình ảnh “3D” trên nền móng vững chắc hơn. Tôi muốn viết một cuốn sách mới, hợp tác với báo chí, nhiều ý tưởng lắm. Việc đó sẽ mất nhiều năm nhưng đã mất 7 năm để học tiếng Việt nên mất mấy năm nữa chuyện nhỏ.


Hãy tuần nào cũng phát triển dự án sáng tạo!


Nhân nói  đến chuyện “nói siêu”, các bạn trẻ  luôn tò mò về cách học ngoại ngữ  của anh. Trong một lần trò  chuyện cách đây 3 năm Joe đã từng trả lời 1 độc giả về cách học tốt ngoại ngữ là “Hãy quên cảm giác xấu hổ!”. Bây giờ, Joe có thể mổ xẻ sâu hơn về cách “hướng dẫn” học tốt ngoại ngữ kiểu “mặt dày” (vì “mất xấu hổ”) của Joe đi! 


Đừng quên mục đích ban đầu. Ví dụ, một người đàn ông 30 tuổi quyết định mở công ty riêng để lúc công ty chạy tốt ông ấy sẽ có nhiều thời gian dành cho gia đình hơn, có khi dẫn cả vợ con đi du lịch ở Châu Âu. Nhưng khi công ty đã chạy tốt rồi ông ấy chỉ muốn công ty chạy tốt hơn nữa, dùng tiền lãi không phải để đi du lịch mà để đầu tư (đầu tư để có nhiều tiền lãi hơn). Thời gian dành cho vợ con ngày càng ít đi, chuyến đi mọi người chụp hình đứng trước tháp Eiffel thành ước mơ của quá khứ.


Lý do học ngôn ngữ  là để nói chuyện. Đó luôn là mục đích ban đầu, cũng là mục đích dễ quên. Cuối cùng là… học để thi, thi để có điểm cao, có điểm cao để xin vào trường tốt, xin vào trường tốt để xin vào công ty tốt, còn xin vào công ty tốt thì phải… thi! Tôi nghĩ nếu học một từ mới và không sớm dùng từ đó trong cuộc nói chuyện “ngoài trời” nên tự phạt mình 2 nghìn đồng.  
 

Nếu có câu gì đó để  “kích thích” các bạn trẻ  sống mục đích hơn, Joe sẽ  nói gì?


Tôi sẽ khuyên các bạn trẻ tuần nào cũng phát triển dự án sáng tạo. Nếu là bài hát cứ một tuần xử lý một đoạn ngắn. Nếu là cuốn sách cứ một tuần viết 1000 chữ. Nếu là kiểu nhảy cứ một tuần học vài bước. Hoặc thậm chí cứ một tuần học thuộc một chuyện cười cũng là dự án sáng tạo chứ!  Đừng để một tuần đi qua mà không sáng tạo cái gì, đừng bao giờ! Chúc các bạn năm mới luôn luôn sáng tạo!


Đừng để một tuần đi qua mà không sáng tạo cái gì, đừng bao giờ! 

Anh hẳn là cũng có một vài dự định nhỏ trong năm mới chứ?


Tôi có chứ! Tôi muốn được mời đóng “táo Tây” trong Gala cười 2011. Tôi nhiều ý tưởng lắm, mà chương trình đó chưa táo nào là táo Tây! Nếu chưa kịp thuyết phục đạo diễn trong 2011 đợi năm 2012 cũng được, miễn không có Tây nào khác cướp Táo của tôi! (cười).

Theo Dân trí

Bình luận
vtcnews.vn