• Zalo

Bình khí ‘từ trên trời rơi xuống', xuyên thủng ô tô trên phố Hà Nội: Xử lý thế nào?

Thời sựThứ Tư, 11/04/2018 11:59:00 +07:00Google News

Luật sư cho rằng, cần xác định được xuất xứ chiếc bình khí ''từ trên trời'' rơi trúng ô tô để xem xét xử lý hành chính hay xử lý hình sự đối với vụ việc.

Liên quan đến vụ việc bình khí ‘từ trên trời rơi xuống', xuyên thủng ô tô đang chạy trên phố Hà Nội, luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, để xác định chính xác lỗi ra sao và xử lý thế nào thì phải biết chiếc bình khí này có xuất xứ từ đâu.

Theo luật sư Ứng, nếu một đơn vị nào đó đang thi công phía trên mà không bảo đảm an toàn khiến xảy ra sự cố làm chiếc bình khí rơi xuống gây thiệt hại cho người khác thì việc đầu tiên là phải bồi thường thiệt hại về tài sản cho người đó.

Việc bồi thường sẽ dựa theo thực tế, gây ra thiệt hại bao nhiêu thì phải bồi thường bấy nhiêu.

30531059_974884916014755_6634719455365359835_n-1540094

 Bình khí xuyên thủng phần kính phía sau xe ô tô.

Tuy nhiên, luật sư Ứng cho rằng nếu trường hợp chiếc bình khí này là thiết bị đang phục vụ cho việc thi công công trình, dự án nào đó rơi xuống gây chết người thì sẽ bị xem xét xử lý về mặt hình sự vì vi phạm các quy định trong xây dựng.

Cụ thể, trường hợp này, công trường đang thi công mà vấn đề lao động không có biện pháp bảo đảm an toàn.

Nếu hành vi này gây thiệt hại nhẹ thì bồi thường, nếu thiệt hại nặng sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 295 Bộ luật hình sự năm 2015 về tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người”.

“Vụ việc này xảy ra rất may mắn không gây thiệt hại về người, nhưng rõ ràng chiếc bình này không thể “từ trên trời rơi xuống”, mà chắc chắn phải có chủ và phải có người chịu trách nhiệm” – luật sư Ứng nói.

Trước đó, trưa 10/4, xe ô tô con mang BKS 30E 515.82 đang đi trên đường Nguyễn Trãi (khu vực gần nút giao ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội).

Đến đoạn ngã tư Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến, ô tô bị một chiếc bình khí rơi trúng, xuyên thủng phần kính phía sau xe.

Một số người dân sinh sống quanh khu vực xảy ra vụ việc cho biết, vào thời điểm chiếc xe ô tô con gặp nạn, họ nghe thấy tiếng động lớn vang lên, khi quay ra đã thấy chiếc bình nằm trong phía đuôi xe.

Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng chiếc bình khí có thể từ nhà ga đường sắt trên cao rơi xuống.

Tuy nhiên, sáng 11/4, trả lời VTC News, ông Vũ Hồng Phương - Phó Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án Đường sắt (Bộ GTVT) khẳng định: "Tôi đã nghe thông tin về việc này, nhưng vụ việc chiếc bình khí rơi trúng xe ô tô không phải từ dự án đường sắt trên cao rơi xuống".

Theo vị lãnh đạo Công an phường Thanh Xuân Trung, vẫn chưa xác định được chiếc bình khí này từ đâu rơi xuống và chủ xe không có ý kiến gì về vụ việc mà đánh xe đi ngay sau đó.

Video: Bồn nước "từ trên trời"rơi xuống suýt giết người

Điều 295. Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người được quy định

1. Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

a) Làm chết 1 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên.

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%.

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm:

a) Làm chết 2 người.

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 61% trở lên.

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%.

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1.500 triệu đồng

đ) Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm:

a) Làm chết 3 người trở lên.

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên.

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên.

d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500 triệu đồng trở lên.

4. Người vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

5. Phạm tội có khả năng thực tế gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác, nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Tùng Lâm
Bình luận
vtcnews.vn