Bác sĩ Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Phỏng và Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, TP.HCM cho biết, bệnh viện đang tiếp nhận một bệnh nhân bị bỏng gas khá nặng.
Bệnh nhân tên N.T.Y (18 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp) nhập viện trong tình trạng bỏng 41 % độ 2-3, 24% độ sâu, bỏng toàn thân.
Khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết thời điểm xảy ra sự việc, cô vừa tan ca làm về nhà và đang chuẩn bị nấu ăn. Khi bếp vừa bật thì bình gas mini phát nổ gây nên tai nạn kinh hoàng. Nạn nhân vì bất ngờ và hoảng loạn nên không xử lý ban đầu. Lúc được đưa đi cấp cứu thì cô gái đã ngất xỉu.
Tại BV Chợ Rẫy, bệnh nhân được truyền dịch, xử lý vết bỏng, dùng kháng sinh, giảm đau, ngừa u xơ, loét dạ dày. Bệnh nhân đã 2 lần được mổ cắt lọc hoại tử. Đến thời điểm hiện tại, bệnh nhân vẫn còn có những đợt sốt cao, phải theo dõi nhiễm khuẩn huyết.
Sắp tới Y. sẽ tiếp tục được dùng kháng sinh mạnh, cắt lọc, ghép da. Theo các bác sĩ, chưa thể nói trước được khi nào bệnh nhân sẽ bình phục.
Chị T.T.T.L (36 tuổi, mẹ Y.) cho biết, con gái chị vừa lên TP.HCM xin làm công nhân thời vụ vài tháng nay để kiếm tiền phụ giúp cha mẹ nuôi em ăn học. Mỗi tháng Y. làm được hơn 3 triệu đồng nhưng đã gửi về đến 2 triệu đồng.
Đến nay sau gần 1 tháng xảy ra sự việc, viện phí của Y. lên đến hơn 100 triệu đồng. Bản thân cha và mẹ Y. đều làm mướn nên rất nghèo, phải đi vay nợ số tiền 70 triệu đồng để tạm xoay sở tiền nhưng hiện đã không kham nổi vì viện phí mỗi ngày một tăng.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân nên cẩn trọng khi sử dụng gas, chọn gas có nhãn mác, thương hiệu rõ ràng, chọn bình gas có trọng lượng phù hợp nhu cầu sử dụng. Khi bị bỏng gas phải ngay lập tức tắt gas và di chuyển khỏi nơi khởi phát sự cố. Dùng nước sạch xối lên vùng da bị bỏng.
Tuyệt đối không sử dụng những cách truyền miệng như bôi nước mắm, kem đánh răng lên vết bỏng vì có thể gây nhiễm trùng, hoại tử nặng hơn.
Bình luận