Tính đến ngày 12/8, Bình Dương có gần 34.700 ca mắc COVID-19, bao gồm trường hợp test nhanh dương tính với SARS-CoV-2 và xét nghiệm khẳng định PCR. Có 423 người đã tử vong vì COVID-19. Để lo hậu sự cho người thân, gia đình, nhiều lao động nghèo đang rơi vào khó khăn khi chi phí mai táng cao và mỗi nơi một giá.
Cuộc sống khó khăn và phải nuôi đứa con trai bị suy thận mãn, vợ chồng bà Lê Thị Khéo (45 tuổi), rời Cà Mau lên Bình Dương lập nghiệp và thuê trọ tại phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát. Đến Bình Dương chưa được bao lâu thì bà mắc COVID-19 tử vong, chồng và con trai bị đưa đi cách ly tập trung. Do đó, việc mai táng cho bà đều do em ruột là Lê Văn Thưởng gánh vác.
Ông Lê Văn Thưởng kể lại, ngày 1/8, nhận được tin chị mất, ông lên Trung tâm Y tế thị xã Bến Cát làm thủ tục nhận xác thì được cơ sở mai táng thông báo chi phí hỏa táng 45 triệu đồng, bao gồm cả tiền vận chuyển tro cốt về quê. Là lao động nghèo, số tiền này quá sức đối với gia đình nên ông đã năn nỉ xin giảm giá.
Ban đầu, cơ sở mai táng không đồng ý, nhưng sau đó được sự can thiệp của lãnh đạo Trung tâm Y tế thị xã Bến Cát, họ giảm xuống còn 20 triệu đồng. Để chuyển tro cốt về nhà trọ gia đình phải chi thêm 1 triệu đồng và ứng trước 50% số tiền mai táng thì cơ sở này mới nhận.
Ông Thưởng nghẹn ngào nói, lúc đó gom hết tiền trong gia đình chỉ còn có 3 triệu đồng, không đủ ứng trước nên phải nhờ người mượn giúp: “Tôi đâu có tiền nên nhờ ông anh đi mượn giúp 7 triệu là đưa trước 10 triệu. Sau khi họ thiêu xong đem tro cốt về thì đưa thêm 11 triệu nữa. Lâu nay trên này không làm ra tiền, công ty đóng cửa không có tiền nên phải nhờ người đi hỏi, vay mượn bên ngoài".
Trường hợp khác là ông Nguyễn Văn Hoàng (58 tuổi), cũng rời quê Trà Vinh đến Bình Dương xin làm công nhân ở phường Vĩnh Phú, thành phố Thuận An và mất do COVID-19. Lúc ông mất, vợ và con gái đều ở khu cách ly nên người em cột chèo là Trần Thanh Lam phải chạy vạy để có tiền hỏa táng.
Trong lúc đang thất nghiệp, ở nhà phòng dịch thì chi phí hỏa táng hơn 20 triệu đồng là một số tiền quá lớn đối với ông Lam. Rất may sau đó, nhiều nhà hảo tâm biết sự việc đã hỗ trợ một phần chi phí và làm việc với cơ sở mai táng để họ giảm giá.
“Gia đình mình rất khó khăn và gia đình anh chị cũng vậy. Khi bên chỗ trại hòm người ta báo 20 triệu, tôi không có tiền nên không biết làm sao, phải vận động, gọi về quê mọi người gom được một chút. Sau đó cũng nhờ nhà hảo tâm và thực sự cảm ơn, không biết hậu tạ thế nào”, ông Lam nói.
Trước phản ánh của người dân về loạn giá mai táng, thậm chí có nơi còn “hét” giá 40-50 triệu đồng, trong khi để lo hậu sự bình thường thì chỉ cần 12-15 triệu đồng, phóng viên VOV đã tìm hiểu sự việc. Hiện nay, giá hỏa táng tại Đài hỏa táng Phước Lạc Viên ở thành phố Dĩ An và Hoa viên Chánh Phú Hòa ở thị xã Bến Cát chỉ từ 3-4 triệu đồng. Tại 2 cơ sở hỏa táng giá không thay đổi. Chi phí vài chục triệu đồng là giá dịch vụ tại các cơ sở mai táng đưa ra để khâm liệm, vận chuyển, hỏa táng... và mỗi nơi lấy một giá.
Liên quan đến việc hỗ trợ mai táng những người tử vong do COVID-19, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương cho biết, đối với trường hợp là công nhân lao động đã được Liên đoàn lao động tỉnh và doanh nghiệp hỗ trợ thì sẽ được chi thêm 10 triệu đồng.
Những trường hợp tử vong không được cơ quan, tổ chức nào hỗ trợ sẽ được chi 30 triệu đồng. Chi phí do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh vận động. Tuy nhiên, theo ghi nhận thì chưa có người dân nào tiếp cận được với chính sách này bởi các thủ tục rườm rà, trong khi đó lao động nghèo phải khổ sở “xoay” tiền mai táng chứ không thể để người thân nằm lạnh lẽo trong nhà xác quá lâu.
Theo người dân, Bình Dương cần linh hoạt trong việc hỗ trợ mai táng cho người tử vong do COVID-19. Thay vì họ phải tự tìm cơ sở mai táng để bị "hét giá" thì mỗi địa phương trong tỉnh nên ký hợp đồng với 1 đơn vị để ổn định giá, hỗ trợ hỏa táng để vơi bớt gánh nặng cho những lao động nghèo trước đại dịch COVID-19.
Bình luận